Những loại thuế oái oăm nhất từng tồn tại trên thế giới
theo kênh 14
Bạn đã từng nghe đến thuế "hèn nhát", thuế cho những người đội mũ hay... thuế "xì hơi" chưa?
Đối với người dân của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới thì việc đóng thuế là một hoạt động thiết thực, góp phần tăng thêm ngân sách của chính phủ. Tuy nhiên, có một số loại thuế mà mới chỉ nghe thấy tên thôi, bạn đã thấy nó thật là vô lý rồi.
1. Thuế chơi bài
Vào thời kỳ Trung cổ, khi các loại hình giải trí đa phương tiện như TV hoặc Internet chưa xuất hiện thì chơi bài là một trong những hoạt động phổ biến nhất của người dân tại Anh sau bữa ăn tối. Các vị vua thấy rằng đây là một cơ hội tốt để “bóc lột” những người dân của mình, và đã quyết định cho ban hành Thuế chơi bài.
Tuy nhiên, kể từ lúc loại thuế này được ban hành, tình trạng “trốn thuế” vẫn thường xuyên diễn ra và chưa có cách nào để khắc phục. Đến khoảng Thế kỷ 16, dưới thời trị vì của vua James I, vấn đề này dường như đã được giải quyết. Vua James I cho in các tấm thẻ có in hình quân Át cơ hoặc Át bích để phát cho những người đã nộp thuế đầy đủ. Những ai khi được hỏi mà không có tấm thẻ này sẽ bị coi là trốn thuế, thậm chí có thể bị bỏ tù.
Những người nộp thuế đầy đủ sẽ được phát một tấm thẻ như thế này...
Hình thức này được duy trì từ đó đến tận tháng 8/1960, khi chính phủ Anh đưa ra luật các sòng bạc tại Anh sẽ phải chịu trách nhiệm thanh toán khoản thuế này.
2. Thuế đánh vào các sản phẩm được coi là... kẹo
Trong tháng 9/2009, Chính quyền tiểu bang Illinois tại Mỹ đã đưa ra quyết định rằng họ sẽ đánh thuế các loại kẹo cao hơn mức thuế dành cho các loại thực phẩm thông thường khác. Điều này tưởng chừng là một điều bình thường, song lý giải của Cục thuế bang Illinois lại cho thấy rằng đây là một khoản thuế rất vô lý: “Những loại thực phẩm cần phải được bảo quản lạnh, và thành phần không chỉ có riêng bột mỳ sẽ bị coi là kẹo”.
Cùng là sôcôla, song Baby Ruth và Twix bị "phân biệt đối xử" tại bang Illinois Theo quy định này, thì sữa chua thông thường sẽ được coi là thực phẩm, còn sữa chua có chứa nho khô hoặc một số loại mứt trái cây sẽ được coi là kẹo và bị đánh thuế cao hơn. Tương tự, loại bánh sôcôla Baby Ruth sẽ được coi là thực phẩm, còn loại bánh sôcôla Twix sẽ được coi là kẹo – vì có nhân caramel. Đúng là bó tay.
3. Thuế “hèn nhát”
Thuế hèn nhát là một loại thuế đặc biệt tại Anh, được áp dụng cho những người dân không muốn ra trận chiến đấu (chứ không phải riêng lý do hèn nhát). Loại thuế này được áp dụng từ thời vua Henry I (1100 – 1135), với mức thuế rất thấp, nhưng đến thời vua John (1167 – 1216) nó đã tăng lên đến 300%, và áp dụng cho tất cả các binh sĩ trong những năm không có chiến tranh.
Loại thuế này chỉ kéo dài khoảng hơn 300 năm và bị bãi bỏ vào năm 1412.
4. Đội mũ cũng bị đánh thuế
Trong giai đoạn từ năm 1784 – 1811, chính phủ Anh đưa ra một loại thuế hết sức oái oăm, đó là ai muốn đội mũ sẽ phải nộp thuế. Đây là một hình thức đơn giản để tăng ngân sách cho Chính phủ trước sự giàu lên nhanh chóng của giai cấp tư sản Anh.
Giống như hình thức dán tem kiểm dịch chất lượng mũ bảo hiểm như nước ta hiện nay, các cửa hàng bán mũ tại Anh thời kỳ đó sẽ phải mua những chiếc tem “thuế” được chính phủ phát hành với giá 2 bảng/chiếc tại London và 5 shilling/chiếc tại các thành phố khác, để dán lên các sản phẩm của mình. Đối với những chiếc mũ không có tem, thì cả người bán mũ và người đội mũ sẽ bị phạt rất nặng, và đặc biệt nhất là hình phạt tử hình dành cho những ai làm giả tem “thuế”.
Đối với những người giàu có thì những chiếc mũ đắt tiền thì quả là “không thành vấn đề”, thế nhưng, đối với những người dân nghèo thì việc làm đẹp quả là xa xỉ.
5. Thuế cửa sổ
Thuế cửa sổ là một trong những loại thuế kỳ quặc nhất trong những loại thuế tại Anh trong giai đoạn cuối Thế kỷ 16. Các điều khoản của loại thuế này nằm trong Bộ luật Giải quyết thiếu sót trong việc giảm thâm hụt ngân sách (Act of Making Good the Deficiency of the Clipped Money) được vua William III ban hành năm 1696, trong đó gồm hai phần: thuế mặt bằng nhà đất, 2 shillings/1 nhà/năm, và số cửa sổ tối đa được phép xây dựng là 10 – nếu quá sẽ phải nộp thuế 2 shillings/năm cho mỗi cửa sổ xây thêm.
Mặc dù tiền thuế rất nhỏ, song nhiều hộ gia đình giàu có tại Anh thời kỳ đó tỏ ra rất khó chịu với khoản thuế này. Họ xây dựng các căn biệt thự lớn, song chỉ tận dụng tối đa số cửa sổ được quy định trong luật, còn lại là các ô cửa sổ giả. Điều này lý giải tại sao các tòa biệt thự cổ tại Anh tồn tại từ đó đến nay có nhiều ô cửa sổ giả đến vậy. Loại thuế vô lý này tồn tại được gần 200 năm và được bãi bỏ vào năm 1851.
6. Thuế râu
Vua Henry VIII là một vị vua nổi tiếng của Anh thích để râu dài, và chính sở thích này mà vào năm 1535, ông đã cho ban hành một loại thuế khá hài hước: thuế râu. Những người để râu ở từng vị trí khác nhau trong xã hội sẽ phải hưởng những mức thuế râu khác nhau. Đến thời con gái ông, Nữ hoàng Elizabeth I thì các điều khoản trong loại thuế vô lý này được sửa đổi, theo đó, cứ hai tuần, những người để râu sẽ phải nộp thuế một lần.
Loại thuế râu này cũng được áp dụng tại Nga vào thời điểm đó, tuy nhiên, vì một lý do khác: Nga Sa hoàng muốn người dân của mình cạo râu, bởi ông cho rằng để râu là hành vi thiếu văn hóa. Vào năm 1705, Sa hoàng Peter I cho ban hành thuế râu sửa đổi, trong đó quy định, những người đã nộp thuế phải mang theo một đồng xu bằng bạc hoặc đồng. Một mặt của đồng xu này là quốc huy của nước Nga, mặt còn lại là hai dòng chữ: “đã nộp thuế” và “để râu là một gánh nặng không cần thiết”.
7. Thuế buôn hàng cấm
Đóng thuế và tự do buôn bán ma túy
Loại thuế này được Quốc Hội Tennessee thông qua vào tháng 1/2005, theo đó, hoạt động buôn bán các loại ma túy như cocain, cần sa, thuốc phiện... tại Tennessee được coi là hợp pháp, song điều quan trọng nhất là những người buôn bán các mặt hàng cấm này phải nộp thuế.
Những người buôn bán ma túy bằng bất cứ hình thức nào đó sẽ phải nộp các khoản thuế tại sở thuế vụ, và họ sẽ nhận được một tấm card có đóng dấu để hợp pháp hóa hoạt động kinh doanh của mình. Hiện tại trên thế giới có 22 quốc gia áp dụng loại thuế này.
8. Thuế “xì hơi”
Được coi là một trong những nỗ lực nhằm thực hiện Nghị định thư Kyoto về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, trong năm 2003, Chính phủ New Zealand đã cho ban hành thuế “xì hơi” (Fart Tax). Mục tiêu của loại thuế này nhắm tới các trang trại chăn nuôi – được coi là phát thải 50% lượng khí gây hiệu ứng tại New Zealand mỗi năm. Chưa cần phải nói, loại thuế này đã vấp phải sự phản đối của những người nông dân bởi chăn nuôi là một trong những lĩnh vực mũi nhọn trong ngành nông nghiệp của New Zealand, và cuối cùng, Chính phủ đã phải từ bỏ việc thi hành loại thuế vô lý này.
9. Thuế nước tiểu
Vào năm 74 sau Công nguyên, Hoàng đế La Mã Vespasian “cháy túi” do nội chiến liên miên trong nước. Để tạo ra ngân sách, Vespasian nảy ra sáng kiến xây dựng toilet công cộng thu phí đầu tiên trên thế giới. Khi thấy con trai mình Titus kịch liệt phản đối, Vespasian lý giải rằng dù tiền thu qua toilet chẳng sao cả, và đây cũng là nguồn gốc câu nói của người La Mã “Pecunia non olet” - "Đồng tiền thì không có mùi".
|