Nỗi đau khi cha chặt mẹ làm ba khúc
Lan, cô nữ sinh 14 tuổi, đau đớn vì mẹ bị chính người cha giết hại dã man, chị em phải xa cách, chịu nhiều tai tiếng. Cô bé phải tá túc nhà người cậu, còn em trai mới 8 tuổi phải vào làng trẻ SOS.
Những lúc buồn, nhớ mẹ và em, Lan thường đùa nghịch với chú chó con xin được. Đầu tháng 7, người dân Hà Nội không khỏi kinh hoàng khi cảnh sát khám phá ra vụ xác chết không đầu và không chân được tìm thấy ở hồ Dẻ Quạt, quận Thanh Xuân vào ngày 9/5. Hung thủ là Nguyễn Văn Tuyên, chồng của nạn nhân. Sau khi giết vợ, Tuyên dùng dao chặt làm ba khúc rồi dùng ga trải giường quấn xác đem phi tang. Hắn vứt từng bộ phận cơ thể của vợ ở những nơi khác nhau. Sau khi sát hại vợ, Tuyên nói dối với gia đình vợ và hai con là chị Huệ đi Hàn Quốc. Được một tuần, khi mẹ vợ hỏi chuyện, Tuyên lại bịa ra việc vợ vắng nhà là bởi đang đi Trung Quốc học nấu ăn. "Em gái tôi có thời gian phục vụ bếp núc cho đoàn chuyên gia người Hàn Quốc nên khi nghe Tuyên nói vậy, chúng tôi cũng không nghĩ gì. Đến một tuần sau, anh ta vẫn nói dối và cả nhà vẫn tin dù khi ấy đã nghi vấn tại sao cô ấy đi mà không điện thoại về gia đình", ông Đô, anh trai nạn nhân kể lại. Tuyên còn cao tay và khá bình tĩnh sau khi giết vợ. Ông ta đưa hai con về nhà anh vợ nói nhờ chăm sóc vì bận chạy xe ôm. Tuyên còn về tá túc ở nhà anh vợ hàng ngày. Bà Vinh, mẹ chị Huệ cho biết: "Hàng ngày, Tuyên về nhà ăn ở, nằm trên ghế xem tivi như không có chuyện gì xảy ra". Trong thời gian đó, Tuyên còn vay tiền của người nhà vợ để nướng vào bài bạc. Được hơn một tháng, tin tức về chị Huệ vẫn bặt tăm. Khi đó, gia đình ông Đô đọc được tin xác chết không đầu được tìm thấy ở hồ Dẻ Quạt nên sinh nghi. Linh cảm mách bảo, chị Huệ gặp chuyện chẳng lành. Ông Đô đã nghĩ đến việc, em gái bị chồng thủ tiêu rồi phi tang. Theo những gì kể lại từ phía gia đình ông Đô, mọi tư trang, tiền nong của chị Huệ đều vẫn còn để ở nhà. Ông Đô và người thân còn nghe cô cháu gái kể lại chuyện khi lau nhà đã phát hiện ra những vết máu. Gia đình đã làm đơn trình báo lên Công an quận Thanh Xuân sau hơn một tháng chị Huệ mất tích. Lan - con gái chị Huệ được cảnh sát cùng các bác đưa lên trụ sở công an để nhận diện "di vật" qua ảnh. Cô bé chết lặng người khi nhìn thấy chiếc áo màu hồng mà mẹ hay mặc. Đó là chiếc áo cô nhớ như in dù màu sắc đã bị phai nhạt đi chút ít. Tiếp đó, Lan được nhận diện thêm về chiếc ga trải giường. Cảnh sát đã khẳng định được hung thủ của vụ án xác chết không đầu là Nguyễn Văn Tuyên và nạn nhân chính là chị Huệ. Vụ án xảy ra đã tròn 5 tháng nay. Hôm qua, 9/10, phóng viên PV đến xã Kiến Hưng, TP Hà Đông để tìm hiểu cuộc sống hai chị em Lan. Gặp Lan ở nhà cậu khi cô bé vừa đi học về. Vẫn còn những giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt ngây thơ của cô nữ sinh lớp 9. Từ năm học này, Lan chuyển từ trường Nhân Chính, Hà Nội để về trường cấp 2 trong làng sống cùng bà ngoại và cậu em trai mẹ. Khá xinh xắn, thông minh, đằng sau chiếc kính cận, một đôi mắt buồn và chực rơi nước mắt mỗi lần nhắc đến chuyện mẹ bị giết. Trước khi mẹ mất, gia đình không được yên ấm vì suốt ngày có sự cãi cọ giữa những người lớn chỉ vì cha thường xuyên đánh bạc. Nhưng lúc đó, cả hai chị em Lan còn có sự chăm sóc của mẹ. Mọi sự cũng do xuất phát từ việc cha thích đánh bạc hơn là quan tâm đến vợ con. Đến giờ, cô bé cùng với những người thân đằng ngoại vẫn chưa hết bàng hoàng vì cái chết thương tâm của chị Huệ. Lan bảo không biết nói cảm xúc thế nào, chỉ biết quá ghê sợ về hành vi của người đã sinh ra mình. Trong đầu cô bé luôn đặt ra câu hỏi "Tại sao cha làm vậy với mẹ?" "Mẹ làm gì nên tội?". "Những lúc đó, em chỉ nói chuyện với chiếc bàn học vì không ai có thể giải đáp được những câu hỏi ấy của em. Nhưng buồn lắm, lại một mình em tự trả lời mà cũng không thể cắt nghĩa được, em lại khóc", Lan tâm sự. Từ ngày mẹ mất, Lan chuyển trường về ngoại ở, hai chị em cô bé không được ở gần nhau. Người lớn giải thích, bé Nam cần có sự dạy dỗ "quy củ", và cả gia đình ngoại đã quyết định gửi cậu bé 8 tuổi vào làng trẻ em SOS Hà Nội. Lan cũng muốn vào cùng với em nhưng không được phép vì cô bé đã "quá tuổi". Một cách già dặn, Lan nói: "Em muốn ở gần em trai nhưng hoàn cảnh không cho phép. Em nhớ lắm. Vì khi mẹ còn sống, cũng chỉ ba mẹ con thui thủi với nhau. Giờ mẹ mất, em lại không được gần em mình". Vừa nói, cô bé vừa rơi nước mắt. Được một lúc, Lan lại khoe, mặc dù không được gần nhau nhưng hàng tháng cậu vẫn chở từ Hà Đông ra làng trẻ để thăm em. Gặp nhau, chị khóc, em còn nhỏ nên vô tư chơi đùa. "Em trai em nói cũng buồn và không thích ở đó. Em phải khuyên và dỗ dành mãi mới chịu chạy ra chơi với các bạn", Lan tâm sự. Bà và các bác cũng thường xuyên động viên cháu. Lan cũng hiểu, các bác, cậu mợ đều có gia đình con cái. Việc chăm lo cuộc sống cũng chỉ ở mức độ. Căn nhà ở xóm Chùa, Thanh Xuân, giờ được người chú quản lý, cho thuê. Được vài tháng chú mới mang tiền nhà cho thuê "gọi là" tới gửi cậu Lan để phụ giúp thêm việc nuôi cháu. Cứ mỗi rằm và ngày mùng 1 hàng tháng, Lan về nhà thắp hương cho mẹ. Nhìn mọi thứ trong căn phòng, cô bé lại khóc. Mỗi lần nhớ mẹ, em trai, Lan thường lấy ảnh ra ngắm hoặc giở quyển sách nấu ăn mà mẹ ghi chép trên đó xem lại. Mẹ là người gắn bó, quán xuyến kinh tế gia đình. Với cô nữ sinh lớp 9, mẹ luôn là hình mẫu về sự chăm lo, đảm đang. Chị Huệ làm các nghề từ buôn bán, kinh doanh hàng ăn uống để nuôi các con ăn học tử tế. Lan năm nào cũng đạt học sinh giỏi và có những khi muốn khoe thành tích đó nhưng sự lạnh nhạt của bố khiến cô bé "cụt hứng". Khi được hỏi về tương lai của hai chị em, Lan không biết sẽ thế nào. Cô bé còn quá nhỏ để nghĩ về điều này. Mong muốn lớn nhất của Lan là được gần gũi, chăm sóc em trai. Để có được điều đó, không thể thiếu vấn đề vật chất. Ngày chị Huệ mất, tiền trong nhà không còn, Lan phải sống nhờ hoàn toàn vào cậu, mà cậu mợ cũng không khá giả, phải chạy chợ kiếm tiền hàng ngày. Cô bé lo lắng: "Cậu cũng có hai con nhỏ, em không thể ở nhờ mãi nhà cậu mợ được. Em còn phải chăm sóc cu Nam". Cô nữ sinh không hề nhắc đến cha. Dường như Lan đã chuẩn bị khá kỹ về tâm lý trong trường hợp cha bị Tòa tuyên phạt mức án cao nhất.
|