Khỉ thật!
Gã ngồi đây suốt từ hồi chiều, một quán trà chén vỉa hè. Gã uống rượu nhắm với thuốc lào; cứ đôi, ba hớp lại bắn một bị Trán nhăn ưu tự Mắt xa xăm tâm trạng. Gã hớp rất nhỏ, kiểu uống nhâm nhị Không phải gã thích uống như thế, gã muốn nốc từng ngụm lớn cho mau say, cho mau quên đi cái đời khốn nạn, nhưng uống thế thì hao rượu lắm, mà gã lại chẳng có nhiều tiền. Bà chủ quán, hàng họ ế sưng ngồi đuổi ruồi, thấy gã ngồi mặt đuỗn ra thẫn thờ, bà xởi lởi buôn chuyện: - Tôi nom chú quen quen. Thất tình hay sao mà có vẻ "tâm trạng" thế? Thấy mặt gã vẫn đần thối, bà khơi tiếp: Thế nhà chú làm nghề gì? - Dạ, nghề của cháu là viết lách. - Viết lách ...? Viết lách là làm gì? ... À, tôi biết rồi! Chú viết đơn thuê như cái ông già ngồi cạnh cái máy chữ bên kia đường chứ gì? - Dạ không - gã cười, những nếp nhăn trên trán giãn ra, mắt ánh lên vẻ tự hào - Cháu làm thơ, viết tiểu thuyết. Cháu là nhà văn. - Ra khổ! Trông chú khoẻ mạnh và ra dáng thế kia, sao không kiếm lấy cái nghề nghiệp gì cho đàng hoàng ... Tôi lại cứ đoán chú là cán bộ phường hay nhân viên quản lí thị trường kia đấy...! Bà ta chép miệng rồi thở dài. Kể ra bà ta nói cũng đúng. Đàn bà họ có thừa khôn ngoan. Đôi khi họ nhìn nhận vấn đề rất nhanh chóng và sâu sắc - gã cay đắng nghĩ - như vợ mình chẳng hạn, những điều nó nói có lúc mới nghe phát điên lên, nhưng ngẫm lại bao giờ cũng thấy có lý. * Gã lấy vợ đã tám năm nay. Vợ gã học cùng gã từ thời phổ thông, hai đứa nhấm nháy yêu đương từ những năm cuối cùng bậc trung học. Tốt nghiệp phổ thông, trong khi gã trúng tuyển vào Tổng hợp văn thì nàng hai lần trượt Sư phạm. Nhưng rất nhanh chóng, nàng nhận ra rằng, nếu như lấy gã thì trong nhà chỉ nên có một trí thức, và nàng không tiếp tục thi nữa mà đi học may. Bây giờ nàng là một tay thợ bậc cao, và làm việc cho một công ty may có liên doanh với nước ngoài, thu nhập khá. Phải nói, vợ gã là một phụ nữ rất đảm, một tay nàng thu vén gia đình, nuôi gã và thằng con đi học với bao khoản phải lo. Hồi mới cưới vợ chồng gã rất hạnh phúc, kinh tế khá thoải mái, cả tới khi đứa con đầu lòng ra đời thì với sự khéo léo của vợ thì kinh tế gia đình gã vẫn rất ổn. Gã ra trường, xin việc mấy nơi không được, bèn ở nhà sáng tác. Nghệ sĩ đích thực đâu cần dựa dẫm vào cơ quan đoàn thể, công việc của hắn sáng tạo, hắn không cần gì cả, không cần ai hết. Gã nghĩ vậy. Gã cần cô đơn để chiêm nghiệm, suy tự Vật chất gã coi khinh, cái đó vợ gã đã lo chu tất. Thời gian đầu ngồi nhà đóng của sáng tác, vợ gã cũng rất thông cảm, đôi khi nàng còn động viên gã nữa. Gã viết rất khoẻ, có đêm gã làm tám bài thơ, có tháng gã đẻ mười hai truyện ngắn. Văn thơ của gã hình như thuộc thể loại hậu hiện đại hay tiền cổ điển gì đó, nhưng nói chung, rất ít người tiêu hoá nổi. Nhưng thỉnh thoảng cũng có kẻ tấm tắc khen hay. Có điều, những tác phẩm của gã gửi đăng báo thì biệt tăm tích mà không bao giờ có hồi âm, đưa tới nhà xuất bản thì họ lắc đầu quầy quậy, hoặc có nhận rồi cũng mất hút con mẹ hàng lươn mà không bao giờ thèm trao đổi với gã một lời. Lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất, gã được in một bài thơ trên báo, đó là vào cuối năm ngoái, trên tờ "Chăn nuôi ngày nay", nội san của sở Nông nghiệp tỉnh X. Bài thơ đó, gã ca ngợi kĩ thuật thụ tinh nhân tạo cho lợn rừng. Người đưa bài thơ của gã lên là ông chủ tịch công đoàn tờ báo đó, vốn là bạn chiến đấu của bố gã khi xưa. Lắm lúc gã cũng nản, nhưng rồi lại tự động viên, rằng những tác phẩm nghệ thuật đích thực thoạt tiên không bao giờ mang dáng vẻ lấp lánh mỹ miều. Như các đại văn hào thế giới, khối ông khi sống khổ sở, viết ra chẳng ma nào thèm đọc, chẳng nhà xuất bản nào chịu in. Thế mà khi chết đi thì đùng một cái, các nhà xuất bản tranh cướp nhau in, thiên hạ đổ xô vào đọc ngấu nghiến, thậm chí các báo, tạp chí còn tìm đến nhà nhặt nhạnh cả giấy lộn đem về, cứ miễn có chữ là cho đăng tất. Đấy là do văn tài họ đi trước thời đại, người cùng thời không hiểu họ. Gã nghĩ, có lẽ mình nằm trong trường hợp đó. Gã giận mình đã sinh nhầm thời, giận người đời chậm hiểu. Giận lắm, nhưng cũng vẫn luôn hy vọng ..., hy vọng thiên hạ sẽ sớm hiểu mình. Gã tin số phận gã sẽ khá hơn các văn hào tiền bối, sẽ thành công khi đang còn sống. Vợ gã thời gian đầu cũng rất thông cảm và còn chịu khó động viên. Được vài năm rồi thị cũng nản, thị dần lạnh nhạt với các tác phẩm của gã; thậm chí thị đã dám công khai chê thơ gã. Đă không dưới ba lần thị còn bảo gã nên xin việc gì đó mà làm. Tất nhiên gã không chịu. Mà không chịu là phải, ngoài viết văn làm thơ, gã biết làm gì? Quá quắt hơn, gần đây thị đã chủ động xin việc cho gã; thị bảo, công ty thị khuyết một chân bảo vệ, nếu gã chịu thì người ta sẽ nhận ngay. Gã cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. Tâm hồn nghệ sĩ của gã rớm máu khi mường tượng ra mình với chiếc băng đỏ trên cánh tay, tệ hơn, có thể cả chiếc còi trên mồm ... Đừng hòng. Kẻ sĩ thà chết không chịu nhục. Năm ngoái, vợ gã sinh đứa thứ hai. Con gái. Thế là đủ cả nếp lẫn tẻ. Vợ chồng gã vui lắm, nhưng niềm vui ấy không đủ lớn đẻ đè bẹp cái nỗi khó khăn về kinh tế. Vợ gã dù đảm đang tới đâu thì cũng không thể trang trải đủ cho bốn miệng ăn với biết bao nhu cầu của hai đứa trẻ, dù chỉ là tối thiểu. Người thị gầy quắt như con mắm, gắt gỏng và khó chịu kinh khủng. Gã cũng rất hiểu và thương vợ, nhưng không biết làm gì giúp thị. Gã chỉ còn biết giảm tối thiểu nhu cầu bản thân; không dám cà phê, trà cháo gì cả, thậm chí thuốc lá cũng không dám hút, mặc dù nó rất cần cho công việc sáng tác. Thỉnh thoảng thèm quá, gã chạy sang hàng xóm hút ké bi thuốc lào. Nhiều lúc gã cũng muốn bỏ phứt đi làm bảo vệ, đỡ đần cho vợ đồng nào hay đồng đó. Nhưng như thế thì tiếc lắm, tháng kiếm vài trăm ngàn, so với cái sự nghiệp văn chương lớn lao, biết bao tác phẩm đă ra đời và còn đang thai nghén ... Được thì nhỏ mà mất thì lớn quá. Gă tưởng tượng, rồi sẽ tới lúc người ta phát hiện ra gã ..., chỉ một tác phẩm nổi lên, lúc ấy các nhà xuất bản xúm vào mà xâu xé; thơ, truyện của gã sẽ thành bestsellers, tiền tác quyền thu vào như nước. Lúc đó con vợ gã sẽ biết mặt, gã sẽ cho nó nghỉ công ty về nhà nội trợ phục vụ gã cho khoẻ. Nghĩ thế rồi gã cười, gã rớt nước mắt vì sung sướng. Nhưng vợ gã chả chịu nghĩ như vậy. Dạo này thị khó chịu với gã ra mặt, đá thúng đụng nia, gắt như mắm tôm. Như chiều hôm nay, đi làm về, thị thấy gã không thay quần cho con bé Ly - nó ỉa đùn, mà gã thì đang dở bài thơ "Gió núi mây ngàn". Gã tưởng nó ngủ, gã có biết nó ỉa đâu? Nếu biết thì gã đã thay cho nó rồi. Vậy mà thị không thèm hiểu cho gã. Thị đem con bé đi tắm rửa thay quần, vừa làm thị vừa gào khóc, thị bảo gã là cái đồ dài lưng tốn vải... Gã thấy cổ họng mình nghẹn đắng. Uất hận trào dâng, gã bèn bỏ đi uống rượu. Gã ra quán nước này từ bấy tới giờ, gã muốn uống thật say cho quên đi cái đời khốn nạn. Nhưng trong túi chỉ có mỗi hai ngàn mà gã mới móc trong lợn đất của thằng cu Long ..., gã biết, gã chỉ có đủ tiền uống bốn chén. Trời đã tối đen - thật ra gã chưa muốn về, nhưng biết đi đâu ..., mà chẳng thể ngồi mãi ở quán được, và bà chủ quán sắp dọn hàng - gã móc tiền trả rồi chào bà chủ. Gã thất thểu lê bước chân nặng trĩu về nhà mà cảm thấy như đang đi xuống địa ngục. * Đang cúi đầu lê bước trên đường, gã va đầu đánh đốp vào chân một cột đèn cao áp. Đau điếng, sờ lên trán, gã thấy sưng lên một cục, nhơm nhớp. Đưa lên mũi, gã thấy mùi thối khẳm. Té ra dạo này trong thành phố có bọn chuyên đi tháo trộm bóng cao áp, nên công ty đô thị đã nghĩ ra cái mưu trét cứt lên chân cột đèn để chống trộm. Gă còn chưa kịp bực mình thì trước mặt gã hiện ra một lăo già ăn mặc rất lố lăng, giống như trang phục của dân Ả Rập. Gã thấy lão ta có vẻ quen quen, nhưng không nhớ là đă gặp ở đâu. Lão già cười nhăn nhở rồi nói: - Anh được quyền có một điều ước. Gã nhìn thẳng vào mặt lão và khó chịu hỏi: - Ông là ai? Ông muốn gì? - Ta là thần đèn cao áp, ngươi rất có duyên nên mới gặp ta đấy. Nào, muốn gì nói nhanh lên. Gã nghĩ, chắc lăo già này dở hơi, song nhìn thấy lão bồng bềnh trên không, hai chân khoanh bằng tròn, rất giống với hình ảnh vị thần đèn mà gã đã nhìn thấy trong phim hoạt họa A-la-din và cây đèn thần. Không hiểu ma xui quỉ khiến thế nào - có lẽ, vì đầu óc gã đang mung lung day dứt, lại không biết chia sẻ cùng ai, nên chỉ cần một lí do rất vớ vẩn cũng khiến gã thốt lên những điều vớ vẩn - gã nói một hơi không nghỉ: - Ta muốn trở thành một nhà văn lớn, ta muốn nổi tiếng trên toàn thế giới, ta muốn nhân loại nức nở khi đọc ta, ta muốn tiền tác quyền của ta đếm không bao giờ cạn, ta ước như thế với bất cứ giá nào! - Với bất cứ giá nào cơ à - lăo già mủm mỉm cười, lẩm bẩm - tay này gớm đây. Được, nhà ngươi sẽ được toại nguyện. Nói rồi lão xoay người một vòng, nhẩy múa tưng tưng theo lối phường tuồng, rồi hét to mấy tiếng bằng thứ ngôn ngữ lạ, sau đó hoá thành làn khói chui tọt vào cái bóng đèn cao áp. Cái bóng cứ chớp tắt hoài, không hiểu do điện yếu hay bóng cũ. Gã thẫn thờ mất một lúc. Gã không hiểu chuyện đang diễn ra, liệu có phải là ảo giác? Về tới nhà, gã thấy thằng cu lớn đang học bài, vợ gã đang nằm ru con bé ngủ, thị hát ru khe khẽ. Thấy gã về, thị quay ra nhìn rồi lại quay vào, chả nói gì. Thằng cu bảo gã : - Bố đi đâu mà về muộn thế? Bố ăn cơm đi, có canh cua mẹ nấu ngon lắm bố ạ. Gã mở lồng bàn, mâm cơm tuy rất đạm bạc, nhưng sạch sẽ tươm tất. Trong mâm có một tô canh cua nấu mồng tơi và bát cà pháo dầm tỏi ớt. Món này vợ gã làm rất khéo, mồm gã tóp tép, nước miếng tứa đầy họng, suýt sặc. Thấy gã mở lồng bàn, vợ gã quay ra: - Nồi cơm ủ trên bếp ấy, sợ đi gian díu với nàng thơ về muộn, nên phải ủ trên bếp cho nóng. Thị nói mát với chất giọng khê nồng của người mệt mỏi. Gã lùa ba bát cơm, tô canh và bát cà nhẵn nhụi. Ăn xong, ngồi bình tâm xỉa răng phành phạch, gã thấy mình chiều nay giận dỗi bỏ đi uống rượu thật là không phải. Thực ra thì vợ mình vất vả quá sinh bẳn, chứ gã biết, chẳng khi nào nó không yêu thương gã. * Đêm hôm đó, gã hoàn thành một chùm thơ ca ngợi mùa xuân và lãnh tụ, cả thãy mười chín bài . Thơ xong, gã còn viết một lèo cái đề cương tiểu thuyết chống diễn biến hoà bình với nhân vật chính là một đảng viên làm kinh tế thị trường định hướng xă hội chủ nghĩa giỏi. Công việc xong xuôi, gã xoa tay khoan khoái, dung lượng cuốn tiểu thuyết chắc phải cỡ ngàn trang chứ chả ít. Gã ngạc nhiên với chính mình, không hiểu cảm hứng từ đâu, động lực nào khiến gã có thể viết về thể loại này, mà lại năng xuất nữa chứ. Sáng hôm sau, gã nhờ vợ trên đường đi làm ghé qua toà soạn tờ tuần báo văn nghệ "Con ong" gửi hộ gã chùm thơ. Gã làm việc này như một quán tính, chứ vợ gã từ mấy năm nay đã bất hợp tác với gã trong việc gửi bài. Thị bảo, muốn gửi thì đi mà gửi lấy, chứ thị nhẵn mặt với nhân viên của tất cả các toà soạn và nhà xuất bản của cả thành phố này, thị chán lắm rồi. Thế nhưng sáng nay khi nghe gã nhờ, thị nhìn gã chăm chú với ánh mắt rất lạ, có phần cả sợ hãi nữa. Thị lập tức cầm bản thảo chùm thơ gã mới viết nhét vào túi xách rồi vội vã te tái ra đi. Gã cũng lấy làm lạ với thái độ ấy của vợ, nhưng rồi tặc lưỡi, hơi đâu suy xét chuyện đàn bà cho rách việc. Ba ngày trôi qua, gã đã quên béng cái chùm thơ và cả cái việc vợ gã sốt sắng đi gửi bài. Sáng nay gã có khách. Khách của gã là hai phóng viên của tờ tuần báo "Con ong", họ tới phỏng vấn và còn chụp ảnh gã nữa. Họ còn đòi lấy thêm một số truyện ngắn và mấy tập thơ của gã. Qúa dễ, gã đáp ứng yêu cầu của họ ngay. Họ hỏi gã về vấn đề bản quyền, rằng lấy nhuận bút như bình thường hoặc có thể bán đứt bản quyền cho họ. Gã bảo tuỳ, muốn thế nào cũng được. Họ ra về và hứa hẹn rối rít, rằng sẽ đăng ngay tác phẩm và gửi tiền liền. Thậm chí họ còn bóng gió, rằng nếu gã chịu, họ sẽ mời gã về làm việc tại toà soạn. Gă tiễn khách về một lúc rồi mà vẫn nghĩ mình trong mợ Gã muốn hoá điên hoá dại, gã muốn nhẩy bổ ra đường mà hôn tất cả mọi người. Tất nhiên gã không làm thế, gã vốn là người biết kìm nén. Lúc lâu sau, khi đã bình tĩnh lại, gã chợt nhớ tới lão thần đèn. Có lẽ lão ta là thật, hôm nọ không phải gã bị ảo giác, và lời ước của gã đã được lão đáp ứng? Gã suy nghĩ miên man. Không hiểu lão thần đèn dùng phương pháp gì? Lão nâng văn tài của gã lên? Lão làm thiên hạ hoá cuồng? Không, văn gã vẫn thế, nó vốn hay sẵn. Văn hay thì viết về mặt trời hay cục cứt nó vẫn cứ hay, gã nhớ có ai đã nói thế. Lão thần đèn cũng chẳng làm thiên hạ hoá điên, mà lão chỉ thức tỉnh phần não bộ u tối của lũ biên tập viên thôi. Lão chỉ làm một việc đơn giản như thế, mà lão đã cứu đời gã, cứu thiên hạ. Suýt nữa họ đã bị đánh rơi một thiên tài. Gã rất hài lòng với cách lí giải của mình. Tờ "Con ong" số ra tuần đó đăng một chùm thơ, một truyện ngắn và cả bài giới thiệu có ảnh chân dung của gã. Tiếp đó, rất nhiều các tuần báo, tạp chí và cả nhật báo cũng cho phóng viên tới phỏng vấn và viết bài về gã. Đại diện các nhà xuất bản xếp hàng rồng rắn trước cửa. Họ tranh nhau các tác phẩm của gã, thậm chí họ còn xin cả các tờ giấy gã viết lời nhắn nội bộ gia đình. Ví dụ như tờ lịch lật mặt sau gã viết "Thằng Long, đi học về tự động ăn cơm, ăn xong làm bài. Đi ngủ nhớ đánh răng, bố mẹ xuống bà ngoại đón em", hoặc "Em và con cứ ăn cơm, anh cho bé Ly về bà nội chơi. Có cái quần bé Ly ỉa đùn anh chưa kịp giặt, em hộ anh nhé". Họ xin và trả tiền đàng hoàng, nhưng gã từ chối không nhận. Ai lại công bố những đoạn văn như thế bao giờ. Không chỉ có báo chí trong nước, một thời gian sau có cả các báo chí nước ngoài cũng tới phỏng vấn và xin phép dịch tác phẩm của gã. Họ trả tác quyền bằng đô la, đô Mỹ hẳn hoi. Đời sống kinh tế gia đình gã, nói theo kiểu nghị quyết là, tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Một hôm, có hai người nước ngoài tới phỏng vấn và xin dịch mấy bài thơ của gã, họ tự giới thiệu là người nước Mutubasko, và là phóng viên tờ "Thế giới động vật", một nguyệt san chuyên ngành về đời sống hoang dã của Liên Hợp quốc. Gã cũng hơi thắc mắc, tại sao một tạp chí nghiên cứu về đời sống hoang dã lại quan tâm tới văn, thơ của mình? Nhưng gã tặc lưỡi ngay, văn chương, nhất văn hay thì ai mà chả phải quan tâm. Gã lên giọng kẻ cả bảo họ (dạo này gã toàn thế) : - Liên Hợp quốc hả? Cái tổ chức của các ông quan liêu bỏ mẹ. Nước tôi đâu chỉ có Nhã nhạc. Thế các ông đã được xem chọi trâu chưa? Xem đánh dậm chưa? Xem đánh phỏm chưa? Xem đánh sóc đĩa chưa? ... Văn hoá phi vật thể tầm cỡ đó xứ tôi có cả mớ. * Gần một năm nay, gia đình gã bồng bềnh trên tiền tài và danh vọng. Nhà gã đã chuyển sang ngụ tại một biệt thự to vật vã nằm trên một con phố nổi tiếng. Mọi tiện nghi, mọi đòi hỏi dù là ngông cuồng nhất của vợ con, gã đều đáp ứng gọn ghẽ. Chỉ có điều, vợ con có vẻ xa lánh gã. Đặc biệt con bé Ly, trước đây nó quấn gã lắm, nhưng từ khi gã nổi tiếng thì nó không chịu cho gã bế. Có hôm gã cố ôm nó thì nó khóc thét lên. Thời gian đầu do tiếp khách nhiều và say sưa với vinh quang, gã không để ý lắm. Gần đây, gã bắt đầu để ý và thấy khó hiểu vô cùng. Bữa khuya hôm ấy, gã xơi món ngọc dương tiềm thuốc bắc, kèm ba ly rượu hổ cốt kỷ tử do chính tay gã ngâm. Hũ rượu này của gã là một đống tiền, cả bộ xương hổ nấu cao với rất nhiều kỷ tử. Ăn xong, gã thấy các mạch máu chạy rần rật. Mọi cơ bắp bương lên, người bừng bừng dậm dật. Gã chợt nhớ ra rằng đã gần năm nay chưa gần gũi vợ... Nghĩ tới, gã thấy thèm thèm. Mắt gã đảo tròn rất gian, hai tai đỏ bừng, vẻ bẽn lẽn. Gã rón rén đi về phía phòng vợ (từ ngày chuyển qua ở biệt thự, nhà gã văn minh như Tây, mỗi người một phòng). Cu+?a khe khẽ. Vợ gã ra mở cửa, thị mặc chiếc váy ngủ của hãng Triumph trông rất khêu gợi; gã nhẩy bổ vào ôm chầm lấy vợ hôn ngấu nghiến. Vợ gã thét lên, thị đạp tung gã ra, nhổ nước bọt phì phì rồi đóng rầm cửa. Gã bàng hoàng, vừa ngạc nhiên vừa tức tối. Gã quay về phòng mình nằm vật ra. Gã không hiểu ra sao cả. Tối hôm sau, chờ cho hai đứa con đi ngủ, gã hỏi vợ với giọng rất cà khịa: - Tôi đối xử với cô có gì không phải? Sao cô coi tôi như con vật thế? Sướng quá rồi dửng mỡ làm trò phỏng. Vợ gã nhìn gã rất lâu với vẻ xót xa, rồi thị nói: - Thế ra anh không biết thật sao? Anh không cảm thấy gì à? Anh thử nhìn ngắm kĩ lại mình xem. Gã không hiểu lắm ý tứ của vợ, nhưng như một quán tính, gã quay ra tấm gương lớn và nhìn chăm chú. Chợt gã rùng mình. Trong gương là một con đười ươi to lớn, mặc một bộ pajama rất đẹp. Gã quay lại thảng thốt: - Chuyện này là thế nào? Cô thấy như thế từ bao giờ? Sao lại...? Vợ gã không trả lời mà hỏi lại: - Thế anh nghĩ vì sao mà anh nổi tiếng? Gã ngồi chết lặng. Bất chợt, dường như hiểu ra điều gì đó, gã rú lên và mở tung cửa, lao ra khỏi nhà. Gã đi dọc con đuờng mà hôm gã đă gặp lão thần đèn chết tiệt. Không nhớ chính xác cây đèn mà lão ta nương náu nên gặp cây đèn nào gã cũng đập đầu vào. Đầu gã đã sưng tướng, máu chãy ra dính nhèm với cứt. Hỗn hợp cứt và máu be bét trên mặt gã. Toàn bộ chân đèn trong thành phố đều được công ty đô thị trét cứt. Mãi rồi gã cũng tìm ra cây đèn định mệnh đó. Lão thần đèn hiện ra, lão có vẻ khó chịu vì mất giấc ngủ. Miệng chóp chép, lão hỏi: - Có chuyện gì thế? Ông nên nhớ đây là đèn công cộng, là tài sản xã hội chủ nghĩa, không phải đèn của riêng nhà ông nhá. Gã muốn túm cổ và vả vào mồm lão già, nhưng không dám mà chỉ nói, giọng gằn xuống: -Sao lão xỏ lá thế, lão hại tôi ra nông nỗi này. - Hại ông? Tôi đáp ứng điều ước của ông mà là hại ông? Lão thần đèn nhướng cặp lông mày tỏ vẻ sửng sốt. - Tôi ước là một nhà văn thành đạt, lão biến tôi thành con khỉ, không hại là gì? Lăo giết tôi đi còn hơn. Gã gầm lên. Lão thần đèn ngửa mặt lên trời nở một nụ cười rất đểu. Rồi nói: - Thế ông có nhớ rằng hôm đó, chính ông khẳng định là ước thế với bất kì giá nào không? Tôi nghĩ rằng ông dám dấn thân, dám hy sinh. Bởi vì với tài cán của ông mà đòi làm điên đảo người đời thì chỉ có cách đó thôi, ông biết chưa? Nếu không dùng cách đó thì đến bố thượng đế cũng chẳng thể giúp ông được. Này, nói cho mà biết nhá, viết lách là một nghề mà ngoài tài năng ra thì nó còn đòi hỏi người làm nghề cần một chút hâm hâm và ảo tưởng. Nhưng chỉ một chút thôi. Chứ đã bất tài lại hâm hấp và ảo tưởng điên cuồng như ông thì ... thành khỉ là phải quá, kiện tụng nỗi gì? Hóa ra ông cũng chỉ là loại cố đấm ăn xôi, dối mình lừa người. Loại nhà văn lều thơ như các ông, viết mười chữ thì đến chín chữ rưỡi là nhảm nhí và vô dụng. Sự mất được như thế tính ra là lãi lắm. Thôi ông về đi để tôi còn ngủ. Gã đang đứng đần người, thấy lão thần đèn định biến đi, vội nói: - Nhưng ... vợ tôi ... nó không chịu ngủ với tôi. Lão thần đèn quay lại nháy mắt rất ma mãnh: - Thế thì ngủ với ...khỉ. Cũng được ra phết đấy! Dấn thân lần nữa đi. Nói xong lão ta xoay người theo lối phường tuồng, biến thành làn khói và chui tọt vào chiếc bầu đèn. Bóng cao áp lại chớp tắt liên tục. * Dạo này trong thành phố xuất hiện một con đười ươi. Nó thoắt ẩn, thoắt hiện. Người ta đồn rằng, nó là con đười ươi trong sở thú, vì nhân viên sở thú ăn bớt ghê quá nên thú vật trong đó phải xé rào ra ngoài kiếm ăn thêm. Bên công ty công viên cây xanh đã rình rập bắt nó mấy lần, nhưng không sao bắt được. Thỉnh thoảng con đười ươi xuất hiện trước đám đông, nếu thấy nhiều phụ nữ là nó liền làm những cử chỉ rất thô tục và cười khèng khẹc. Trông điệu bộ và giọng cười của nó thật rat là khả ố.
|