Dù đỏ và những cơn mưa
Dù đỏ và những cơn mưa Đó là một buổi chiều tan trường, mưa phủ lên mái tôn, phủ lên con đường những bong bóng vỡ tung toé, tôi phóng như một con báo ra khỏi cổng trường với chiếc cặp trên đầu. Con đường ngập lênh láng nước, quần tôi đã ướt tới bắp chân, hai vai áo thì dính chặt vào da thịt. Gió lùa qua những dãy phố thấp, lạnh cóng. Tôi vụt qua những dãy nhà, đầu óc không nghĩ ngợi gì ngoài mong muốn về nhà sớm để khỏi bị cảm. Mỗi bước chân tôi chạm đất rồi nhấc lên, nước lại vỡ oà ra thành nhiều vòng nhỏ, đồng tâm, lan ra dần dần cùng với những tiếng lỏm bỏm. Nói và nói vậy, thật ra tiếng mưa đánh trống trên mái nhà, tiếng mưa vỗ từng nhịp lên những chiếc áo mưa gần đó, tiếng xe cộ rượt đuổi với thời gian, tiếng nước dưới đường rẽ sóng hai bên mỗi khi bánh xe chạy qua... đã cùng nhau lấn át đi tiếng lỏm bỏm của những bước chân. Thế mà không hiểu sao tôi lại bị giật khựng lại khi vừa lao qua một chiếc dù bởi một tiếng gọi nhỏ bé, rất nhỏ: -Bạn ơi... Tôi quay đầu ngoái nhìn, chiếc cặp vẫn yên vị trên đầu. Mưa vẫn rơi đều. Một chiếc dù đỏ nhạt, một bộ đồng phục nữ sinh, một gương mặt trái xoan rất hiền, một đôi mắt to, một đôi má đang dần đỏ ửng, chắc là đỏ vì tôi quay đầu lại. Mưa không rơi đều nữa, mưa rơi nhiều hơn, khung cảnh mờ đi hẳn, thế nhưng không hiểu sao, từ khoảng cách ấy, tôi không thể nhìn thấy mình đang đứng trước ngôi nhà có cánh cửa màu gì mà lại nhìn thấy đôi gò má đang đỏ lên. Thế rồi tôi quay lưng, lại chạy tiếp, áo quần đã ướt hết cả. Bỏ mặc luôn câu nói đang với theo phía sau: -Bạn, dù nè.. bạn ơi.. Tôi không thể đi chung dù với một nhỏ con gái, đó là chuyện hiển nhiên, một "đại trượng phu" không thể làm chuyện đó. Tôi là niềm tự hào của ba mẹ khi học đến lớp mười hai mà vẫn chưa biết đến hai chữ: "bạn gái". Bọn lóc nhóc trong xóm vẫn luôn tôn tụi là đại ca khi tôi tỏ vẻ chẳng kiêng nể gì tụi con gái. Đó là niềm kiêu hãnh của tôi và sẽ ra sao khi cả thiên hạ biết chuyện tôi đi chung dù với một nhỏ chẳng quen. Và dù có thực sự muốn, tôi cũng không thể. Cái dù bé tí sao mà đủ cho hai người cơ chứ! Tiếp tục phóng, tôi chợt nhớ một điều đã nhìn thấy từ nãy giờ: đồng phục của nhỏ đó là đồng phục nữ sinh trường tôi.... *** -Mẹ ơi, hôm nay ủi áo dùm con nhé!- Tôi từ phòng khách nói vọng xuống nhà bếp. -Sao con không tự ủi, làm biếng hả?- Giọng mẹ lại vọng lên. -Học kỳ hai rồi mẹ ơi, bài vở nhiều rồi thi cử đủ chuyện, thi học kỳ hai, thi tốt nghiệp, thi đại học. Mẹ phải để thời gian cho con ôn bài chứ! Mẹ tôi đã bước lên phòng khách, thấy tôi đang ngồi hả họng xem tivi, nói bâng quơ: -Không ủi đồ được vì bận ôn bài, ừm! Thật ra con mình cũng đâu làm biếng! Tôi giật thót mình khi nghe tiếng mẹ, mẹ bước như một điệp viên, không hề có chút tiếng động. Ngay lập tức, cánh tay cầm chiếc remote đưa lên, bấp một cái rõ mạnh. Màn hình đang lấp loá màu bỗng đen kịt. Chắc hẳn người nhện trong màn hình đang bay vun vút từ nhà này sang nhà khác cũng không hiểu sao tự nhiên mọi thứ lại hoá ra đen thui. Tôi đặt vội chiếc remote lên bàn rồi chạy ù lên phòng, không kịp để cho mẹ nhìn. -Đi tắm đi! Đi học về ướt chèm nhẹp như con chuột mà không lo! Thay đồ rồi xuống đây tiếp khách phụ tui! Tiếng mẹ lanh lảnh từ dưới phòng khách làm tôi giật mình thêm một lên nữa khi đã đi được phân nửa đoạn cầu thang. "Ôi dào, lại khách!"
*** Ngoài đường nhập nhoạng tối, nhà tôi sáng trưng. Có cảm giác như tất cả đèn trong nhà đều được bật lên. Trà nước đã sẳn sàng và kẻ bồi bàn như tôi đã vào vị trí. Chỉ chờ khách sang và lệnh của mẹ là tất cả sẽ được mang ra. Bảy giờ đúng, trước của rào có bóng người lấp ló, chắc là khách. Mẹ tôi thầm thì: "Đến rồi!" khi chuông vang lên những tràn âm thanh như xe bán kem mà tôi rất ghét. Khách gồm có hai người, một già một trẻ, hình như là mẹ con. Mẹ tôi dắt người lớn vào: -Em đúng giờ quá! -Nhà em gần sát một bên mà. Tôi vội gập người chào khi hai vị khách bước qua thềm nhà vào phòng khách như một tên bồi thực thụ. Tôi chợt nhận ra vị khách nhỏ tuổi có gương mặt trái xoan xinh xắn và toát lên một cái gì đó rất hiền... hình như là đã gặp rồi! -Đây là Huy, con trai chị. - Mẹ chỉ tôi rồi quay đầu lại phía vị khách lớn. Vị khách lớn thoáng chút gì đó bất ngờ, nhìn tôi chăm chăm như thể mặt tôi dính lọ, rồi nói lớn: -Thằng Huy đây hả, trời! Lớn tòng ngòng rồi hả con? Hồi trước... -Vị khách lớn đột ngột dừng lại. -Mà thôi, con làm gì nhớ, chuyện thời xa lắc xa lơ! -Còn đây là dì Hằng, người quen của mẹ ở dưới quê. -Mẹ quay đầu lại phía tôi. Tôi gật đầu nhìn dì Hằng, chào một cái qua loa. Tôi chỉ thực sự chăm chú khi dì Hằng chỉ vào vị khách nhỏ đang ngồi bên cạnh: -Đây là con gái của em, Hoàng. Chào cô Ba đi con! À, thì ra nhỏ này tên Hoàng, nó cũng xinh đấy chứ. Tôi bàng hoàng nhận ra tôi đã làm một điều mà suốt mười tám năm tồn tại chưa bao giờ dám làm: công nhận một đứa con gái xinh! Nhỏ nhìn sao quen thế? Như thể đã gặp rồi! Đau đầu thật, không gì khổ sở hơn là lục lọi tìm kiếm một thứ mà mình chẳng biết nó như thế nào và nằm ở đâu. Tôi đang ở trong tình trạng đó, não tôi đang hoạt động hết công suất, các nơron đang căng lên như bong bóng được bơm để xác định đã gặp nhỏ Hoàng nay ở đâu hoặc kết luận là tôi đã lầm lẩn nhỏ với một nhỏ nào khác. Chưa bao giờ một nhỏ con gái lại làm tôi bận tâm đến như vậy. Kìa, mặt nhỏ ửng đỏ lên khi bắt gặp ánh mắt dò xét từ phía tôi. *** Dì Hằng dọn nhà từ dưới quê lên cho nhỏ Hoàng học tiếp vì ở dưới trường cấp ba đang sửa chửa. Hình như dì là bạn học chung của mẹ tôi hồi học trường làng. Và gia đình dì Hằng sẽ ở đối diện nhà tôi. Cuộc gặp mặt đêm đó là một cuộc trò chuyện đầy cảm xúc của hai người đồng hương lâu năm gặp lại và đây vẻ gượng gạo của hai kẻ mới quen nhau, tôi và nhỏ Hoàng. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu hai người đồng hương cứ mãi nhắc về những kỹ niệm cũ, đằng này mẹ tôi lại đột ngột lái câu chuyện qua một hướng khác bằng câu hỏi: -Ủa, con Hoàng lên đây học trường nào vậy Hằng? Đi học chưa? -Trường A, ngoài đường lớn nè chị! Học đương hai bữa rồi chị à. Đó là trường tôi. Vậy là chung trường! Sao cơ? Tôi hả họng bất ngờ ba giây, đến giây thứ tư thì vội đưa tay lên giả vờ như ngáp, che đi vẻ mặt đang đừ ra vì không tin vào những gì mình vừa nghe. Dường như đây là một dữ kiện khá quan trọng trong một bài toán do chính tôi đặt ra: mình đã gặp nhỏ ở đâu? Nhờ dữ kiện này mà tôi chợt nghĩ đến nhỏ con gái với chiếc dù đỏ trên đường về nhà. Và bất giác. À. Trời, dù đỏ! Con người ta thật là kỳ lạ, kỳ lạ đến khó hiểu. Khi mà một sự bất thường diễn ra sờ sờ trước mặt, người ta lại không nhận ra, đợi cho đến khi mọi chuyện đã rồi thì mới... Lẽ ra khi đi gần đến nhà rồi, gặp một đứa lạ hoắc mời đi chung dù, tôi phải nghi ngờ gì chứ dù là một chút. Để mà về nhà còn hỏi mẹ: "Xóm mình có đứa nào mới về học chung trường con à?". Mình cứ tưởng người ta chưa biết, mặt cứ hất hất lên, còn giờ đây thì...muốn chui cũng không biết chui lỗ nào. Hoàng cười mỉm, lấy tay che miệng lại. Lúc đó là lúc tôi hả họng ba giây. Đến nước vậy thì coi như nhỏ đã biết hết, từ danh tính của thằng lấy cặp che đầu chạy vụt qua nhỏ bữa chiều mưa đến mọi điều mà thằng đó đang nghĩ. Thật chẳng còn gỡ gạt được gì, xấu hổ chết mất. Nhiêu đó ngỡ ngàng dường như là chưa đủ, tôi phải tiếp tục chịu đựng. Mẹ tôi bảo với dì Hằng: -Chung trường với thằng Huy rồi. Thôi em khỏi tốn công đưa đón, để thằng Huy lấy xe đạp chở con Hoàng đi học cho tiện. Dì Hằng gật gù, nhỏ Hoàng không phản ứng gì, tôi đá đá chân mẹ lầm bầm: -Thời khoá biểu khác nhau sao mà... Mẹ tôi quay sang, cười như không có gì: -Hoàng học chung khối với con mà. -Hả? Tôi chợt khựng lại, cố nén hơi từ cổ họng ra để nó không phát thành tiếng hoàn chỉnh. Chung trường, chung khối rồi lại đi học chung! Sáu ngày một tuần, chưa kể sinh hoạt Đoàn ngày Chủ nhật! Có cảm giác như ông Trời đang muốn đùa với tôi. Tôi sẽ nói gì đây với nhỏ, trên suốt con dường tới trường, người mà tôi đã khước từ lời đề nghị của nhỏ một cách chẳng văn hoá gì vào buổi chiều ấy. Tôi nhìn Hoàng, nhỏ lại cười, nụ cười mỉm thật dễ thương. Nhưng lẽ ra nó không nên xuất hiện lúc này. Xuất hiện vào lúc này chẳng khác nào chọc cái cục quê của tôi. Trời ơi là trời, mẹ hại tôi rồi! *** Tôi có thêm một cơ hội nữa để xác tín rằng nhỏ bữa trời mưa với cây dù đỏ chính là Hoàng, người sắp ngồi sau lưng tôi đây. Và kìa, Hoàng bước ra, trông nhỏ thật nhỏ nhắn trong bộ đồng phục. Thêm một chiếc dù đỏ ở trên nữa là sẽ hệt như cây nấm độc hôm bữa. Đích thị là Hoàng, không thể là ai khác được, vậy là tôi đã nghĩ đúng và nụ cười của nhỏ hôm gặp mặt ở nhà là hoàn toàn có lý do... Thôi, tôi đã quyết tâm là phải quên đi những chuyện của ngày hôm đó, thế mà tôi cứ nghĩ tới hoài, mỗi khi không có việc gì làm. Hoàng đặt lên rổ xe một chiếc dù đỏ. Nó làm ---i mắt tôi suốt cả đoạn đường buổi trưa đầy ánh mặt trời. Bầu trơi nắng gay gắt đến nổi tôi nhìn lên là đã thấy khô ran cả cổ thế mà vừa nhìn xuống lại bị cái dù đỏ phản chiếu những tia màu nóng hổi vào mắt. Thời tiết nóng bức, người ta dễ nổi quạu: -Nắng thế này, đêm cây dù chi không biết? Để chổ mà bỏ mấy chai đá có sướng không? Thiệt là... Đó chỉ là những lời cằn nhằn của tôi và tôi tin là khi đó tôi chỉ nói vừa đủ cho tôi nghe thôi. Thế mà vừa chưa dứt câu, đã có tiếng nói từ sau: -Trời càng nóng là gần mưa đó Huy à. Hay Huy khát nước? Mình ghé lại đi. Nghỉ một chút nha? Tôi giật mình, xém tí nữa là lạc tay lái tông vào một xe hủ tiếu bên lề. Không ngờ tai Hoàng thính đến vậy? Hay là gió thổi âm thanh bay về phía sau? Một thoáng những câu hỏi bay vù qua đầu, chiếc xe lạng qua lạng lại trong khoảng hai ba mét. Ngay sau đó, tôi lấy lại thăng bằng, cho chiếc xe và cho cả cái đầu của tôi, chợt nhớ rằng câu nói của Hoàng kết thúc bằng một câu hỏi. Như bản năng, tôi đáp: -À... Không sao đâu! Chở như vầy hoài... -Còn sớm mà Huy, nếu mệt rồi thì dừng lại một chút, không trễ đâu mà lo. Tôi khoát tay, chân mải miết đạp, đầu lại suy nghĩ vẩn vơ. Suy nghĩ đâu đâu là một sở thích của tôi, tôi thường hay để đầu óc mình bay theo những cơn gió, thường là gió bão. Thế nên những điều tôi nghĩ cứ méo mó như bị gió bão vùi dập và nằm ở nơi nào đó xa lắc. Đó chỉ là mệnh đề, còn một mệnh đề kéo theo nữa là điểm Văn tôi không bao giờ vượt qua điểm 6 dù không biết đã trải qua bao nhiêu cố gắng của tôi để ghép những câu chữ của nhiều nhà văn trong và ngoài nước lại với nhau thành một tác phẩm mới, tác phẩm mà chỉ tôi mới được quyền sở hữu. Bây giờ, tôi nghĩ về câu trả lời của mình lúc nãy, có thể gọi là câu đối thoại đầu tiên của tôi với Hoàng. Một câu không có chủ ngữ! Thật là nghiêm trọng, vì sự thật là tôi chẳng biết xưng làm sao. Mày tao? Có thân thiết gì mà xưng hô vậy mà nhỏ lại là con gái. Mình bạn? Nghe giả tạo, gường gược sao ấy. Cậu tớ? Giống truyện Đôrêmon quá! Thôi thì giống nhỏ, xưng tên! -Lúc nãy xe bị gì vậy? Coi chừng xẹp bánh à! Nhỏ nói về vụ tôi tôi lạc tay lái lúc nãy. Giờ chả lẽ nói: "Do Huy giật mình khi biết được Huy đang cằn nhằn Hoàng về chiếc dù." Nhỏ này, bây giờ tôi đã biết, Hoàng rất thích "bỏ bom" người ta, mà bỏ có thế không mới chết! Tôi không trả lời, chỉ lắc lắc cái đầu, vì nếu trả lời câu tôi vừa nghĩ thì có khác gì tự tay châm ngòi cho "bom" nổ rồi tự tuyên bố: "Tôi đã bị trúng bom". Nếu có kính chiếu hậu như xe máy, bảo đảm tôi sẽ lại nhìn thấy một nụ cười mỉm. Chân vẫn đạp, những vòng bánh cứ lăn đều, lăn đều. Bánh xe lăn đều mãi cũng chán. Và thế là nó không muốn lăn đều nữa mà nảy lên khỏi mặt đường. Chừng một tấc. Và rơi xuống. Tôi nhận ra là đã cán lên một cục đá không nhỏ. Khi bánh xe chạm đất, chiếc xe lảo đảo lần thứ hai trong chuyến hành trình của nó hôm nay. Lần này đảo nhiều hơn lần trước. Cũng may là khúc đường đó vắng nếu không hai đứa cũng có dịp được ôm một người nào đó chạy ngược chiều cùng phương tiện của họ. Dồn hết sức vào đôi tay và lấy hết kĩ năng chạy xe đạp trong mười hai năm tìch luỹ được để kìm chiếc xe như người ta đang cưỡi bò chứng vậy trên tivi . Nhưng trên tivi thì khác, họ luôn thất bại, con bò quật họ ngã xuống rồi tiếp tục nhảy như điên ; còn tôi sau chừng mươi giây, quỹ đạo chuyển động của xe trở về bình thường. Nói chung là mọi thứ đề về bình thường trừ một thứ. Đó là đôi tay của Hoàng. Từ đầu đến giờ, nó vẫn được chủ nhân đặt trên chiếc cặp phía trước nhưng bây giờ nó đã được di chuyển lên hông tôi từ bao giờ. Đôi bàn tay của Hoàng đang báu rất chặt vào hai bên hông tôi. Có lẽ Hoàng cũng không biết, đây trong Sinh học còn gọi là phản xạ có điều kiện. Hay không điều kiện? Tôi cũng chẳng nhớ nổi những khái niệm chi chít chữ này và tôi cũng không muốn quan tâm. Vì cảm giác được một nhỏ con gái ôm eo cũng khá lạ và không kém phần thú vị. Tôi không muốn nhỏ bỏ tay ra, vì tôi còn đang tận hưởng cái cảm giác mới lạ này. Hai cái pêđan quay cùng bàn chân tôi, dính sát vào hai đôi dép không thể rời như hai bàn tay Hoàng bám chặt hông tôi lúc này. Bỗng nhiên, cổng trường hiện ra trước mặt, Hoàng vội nhảy xuống, hai tay ôm cặp và chiếc dù đỏ, vừa đi vừa chờ tôi dắt xe vào bãi, đầu cứ cuối xuống nhìn hai tay mình như hai tay ấy dính phải cái gì ấy. Chắc nhỏ đã nhận ra hành động vô thức của mình khi nãy. "Nhưng hãy yên tâm, Hoàng à. Vì Huy không có thói quen "bỏ bom" kẻ khác như ai đó đâu."-Tôi cười thầm. Khi chiếc xe đạp đã vào đúng vị trí, bất giác tôi nhận ra từ lúc nào đó trong ngày đầu tiên chở Hoàng tới trường, tôi đã mong con đường dài ra vô tận. Trễ học cũng được, không, nghỉ học luôn cũng được, chỉ cần đường dài mãi. Tự nhiên thấy mình suy nghĩ thật lạ và vô lí, tôi lại tự cười, bước tới chỗ Hoàng đang đứng chờ dưới gốc phượng. Ngày đầu tiên trong năm mười hai này tôi không đi bộ, ngày đầu tiên trong đời học trò, tôi chở một nhỏ con gái phía sau và lần đầu tiên một nhỏ con gái ôm hông tôi, ôm rất chặt... Một cảm giác là lạ, mới mẻ và đầy thú vị. *** Trời nóng, ngày càng nóng. Ngồi trong nhà, quạt mở vù vù mà mồ hôi ướt đầm đìa khuôn mặt. Trong tủ lạnh, nước không còn một chai. Nhà tôi bây giờ thật chẳng khác gì cái lò lửa khổng lồ. -Nóng quá, nóng quá! - Tôi ré lên! Chuông điện thoại reo. Tôi uể oải bước lại, nhấc máy. Một giọng con trai ngang phè vang lên từ chiếc ống nghe: -Huy đó hả? Đi bơi mày? Đó là Trung, thằng bạn thân từ năm đầu cấp, không thể lầm được nó với ai. Câu đầu tiên nó nói khi gọi điện không phải là: "Alô" mà là "Huy đó hả?" hay "Huy phải không?". Rồi tiếp sau, nó dập liền vào nội dung chính mà chẳng cần biết người nhấc máy có phải là tôi không. Cũng may là từ khi cho nó số điện thoại tới giờ, chưa bao ba mẹ tôi trả lời điện thoại nó cả. Thiệt cái thằng, nhắc mãi mà không bỏ cái thói bạt mạng chẳng kiêng cử gì ráo. "Đi bơi mày?". Lại là một câu hỏi, nghĩa Trung đang chờ tôi trả lời. Tôi đáp không hề suy nghĩ, chỉ là trả lời cho có thôi: -Trời gần mưa rồi... -Gì, ai nói mày mưa? Nắng chang chang! Mày bị gì hôm nay vậy? Nóng quá điên rồi hả? Một câu nói vô thức bỗng nhiên trở thành đề tài cho thằng Trung vặn vẹo. Mà nó cũng đúng, trời đang nắng như vầy làm sao mưa được. Trên trời còn không gợn chút mây. Vậy là tôi điên hả? Đâu, tôi vẫn bình thường mà. Nhưng chính miệng mình đã nói vậy chả lẽ giờ nói ngược lại? Sao tôi hay bị gài thế này? Nhớ tới bị gài, tôi lại nhớ tới Hoàng, nhỏ chuyên "bỏ bom" tôi từ cuộc gặp gỡ đầu tiên. Nhớ tới Hoàng, lại không thể quên cây dù đỏ của nhỏ. Nhanh như chớp, tôi trả lời chắc nịch: -Tao không khùng đâu, trời càng nóng là gần mưa đó! Mày học rồi mà không nhớ gì hết. Rồi một chút nữa trời sẽ mưa cho mày coi. Đó là câu nói của Hoàng trong bữa đâu tiên cả hai đi học chung, không hiểu sao tôi lại nhớ đến từng câu từng chữ. Còn cái câu thứ hai là tôi bịa ra. Hoặc cũng có thể có lắm chứ, vậy thì tôi giống thằng Trung mất rồi. Trong ống nghe lại vang lên tiếng nói, giọng có vẻ hơi bực: -Vậy là đi không? Thì giờ đâu ngồi cãi trời mưa hay không mưa? Đi không nói lẹ! Tôi cũng nổi quạu lên vì khi không Trung lại quạu trước với tôi. Tôi chỉ nói những gì mình tin tưởng thôi: -Không! Tao không muốn mắc mưa giữa đường. -Tuỳ mày. Nếu trời không mưa. Tao sẽ nghĩ rằng mày không muốn đi với tao vì lý do gì khác. Và, tao rất thích điều tra đấy, nhất là điều tra mày, Huy! - Trung lại ngang phè, đầy hăm doạ. -Rồi sẽ mưa cho mày coi. -Tao sẽ coi! -Cụp! - Tiếng chiếc ống nghe đập vào máy điện thoại nghe rõ mồn một, chắc hẳn Trung đang giận tôi. Tôi vẫn hay đi chơi cùng nó, rất ít khi tôi từ chối nó điều gì. Cả hai đứa tôi luôn như vậy với nhau. Chắc do phản ứng bất ngờ này mà Trung giận? Trung quen tôi từ năm lớp mười, nó cũng như nhỏ Hoàng, từ dưới quê lên. Tuy ở dưới quê mới lên nhưng nó không bao giờ tỏ ra là dân quê, dù ai cũng biết điều đó. Ai trong lớp cũng chọc nó là "hai lúa", chỉ có mình tôi là không. Chắc lúc đó tôi không quan tâm lắm đến chuyện nó xuất thân từ đâu, chỉ quan tâm đến điểm Toán của nó luôn cao hơn tôi. Thế nên tôi luôn đi cặp kè với Trung, chỉ để hỏi bài nó. Còn về phần Trung, dưới quê nó chẳng biết cái máy vi tính là cái gì, vậy nên khi gặp môn Tin học thì nó cứ gãi đầu gãi cổ miết. Và Trung cũng để ý đến điểm Tin của tôi. Hai đứa đã cộng sinh với nhau như vậy. Rồi từ từ, thân nhau bao giờ không hay, chuyện hai đứa nói bây giờ không chỉ là chuyện mấy môn học mà là đủ thứ chuyện trên đời. Cứ như vậy, tôi và Trung đã là bạn thân của nhau từ khi mới chân ướt chân ráo bước vào ngôi trường cấp ba này cho đến bây giờ, đã thành hai tuyển thủ Toán-Tin của khối mười hai... Bây giờ tôi hiểu tại sao Trung luôn có kiểu nói chuyện điện thoại rất kỳ cục như vậy. -Xin lỗi mày, lần khác tao sẽ đi! - Tôi nói, tay vẫn cầm điện thoại, nói một cách tin tưởng rằng Trung vẫn còn đặt tai vào ống nghe bên kia. Con người ta lạ thật, khi trời đang nóng được rủ đi bơi lại từ chối. Ừ lạ thật. Chẳng hiểu sao lúc đó tôi lại có ý định từ chối ngay khi nghe lời đời nghị của Trung mặc dù trong đầu rất muốn đi bơi. Câu trả lời ban đâu chỉ là vô thức, một kiểu vô thức đến vô lí, đến mâu thuẫn với chính mình mà giờ tôi mới nhận ra. Câu tiếp theo lại bám đuôi câu thứ nhất, nhưng cũng chỉ là gỡ gạt một chút gì đó để khỏi bị coi là khùng thôi. Câu thứ ba. Câu thứ ba. "Tôi chỉ nói những gì mình tin tưởng". Phải, tôi đã nghĩ vậy khi trả lời câu thứ ba. " Những gì mình tin tưởng", "Mình tin tưởng", "Tin tưởng". Là Hoàng ư? Tôi tin tưởng Hoàng đến nỗi bác bỏ tất cả, cả thằng bạn thân duy nhất thời cấp ba, cả cái cơ thể đang muốn chảy ra..? Một nhỏ con gái chuyên "thả bom" người khác lại có thể ảnh hưởng tôi đến vậy ư? Sao mà đầu óc tôi quay cuồng thế này! Cầu xin cho trời đừng mưa, để tôi sẽ bị thằng Trung chế giễu hay chửi mắng gì cũng được, đó có thể coi là một hành động xin lỗi của tôi dành cho nó. Cầu xin cho trời đừng mưa, để tôi biết là Hoàng sai, tôi cũng sai nốt khi tin vào Hoàng và tôi sẽ không bao giờ có cơ sở để tin nữa. Năm phút cuộc điện thoại của Trung, mây đen ùn ùn kéo tới. Sấm nổ một cái. "Đùng!". Nghe muốn điếc tai. Trời bắt đầu trút nước. Vậy là mưa! *** Thằng Trung tuy là bạn thân của tôi nhưng nó chẳng đáng để tôi xin lỗi gì cả trong vụ đi bơi. Ai cũng biết, hôm đó trời mưa. Và tôi và Trung đều biết hôm đó Trung vừa dắt xe ra trời liền nổ "đùng" một cái. Trung không đi bơi được. Tôi đã đúng. Tôi chẳng cần phải xin lỗi gì cả, trời đã mưa như tôi nói và thằng Trung lại giở trò. Trò của Trung? Tôi chưa biết là trò nào và tôi cũng chưa nghĩ đến, mãi đến khi... chiếc xe đạp của tôi dừng bánh ngay cổng trường, Hoàng nhảy tọt xuống như mọi khi, bỗng Trung cùng chiếc xe của nó lướt qua, mắt nó nhìn chăm chăm tôi rồi lia sang Hoàng những tia nhìn của một điều tra viên lão luyện. Trung cười khà khà, tiếng cười làm tôi rùng mình, tiếng cười đầy những mưu mô. Hoàng ngơ ngác đến phát tội khi bị thằng Trung soi mói nhưng nhỏ cũng quên nhanh cảm giác đó sau câu hỏi: -Ai vậy Huy? Có quen mình không? Tôi không trả lời câu hỏi đó vì tôi đang lo nghĩ đến hành động của Trung. Bảo đảm nó đang âm mưu chuyện gì đó để trả thù tôi vụ tôi từ chối đi bơi với nó. Tôi vẫn còn nhớ câu nói hậm hực của Trung: "Tuỳ mày. Nếu trời không mưa. Tao sẽ nghĩ rằng mày không muốn đi với tao vì lý do gì khác." Vậy mà giờ trời đã mưa, nó vẫn nghĩ là tôi có một lý do khác, nó nghĩ trời mưa và việc tôi dự báo là hai chuyện ngẫu nhiên trùng khớp. Tôi chắc nó đang nghĩ như vậy. Hãy chờ xem. Vừa bước vào lớp, thấy tôi, Trung đã vỗ đùi đánh đét, cười phá lên: -Thằng Huy bây giờ ngon lắm rồi tụi bây ơi! Tôi ngơ ra, không hiểu: -Ngon gì cha nội? -Không ngon chớ sao có một em chịu ngồi xe đạp cho chở giữa trời nắng chang chang vầy? Sau câu nói đó, Trung lại cười lớn. Đám con trai trong lớp bắt đầu bu lại, xôn xao bàn tán. Còn tôi thì đã bắt đầu hiểu ra ý nghĩa ẩn sau tia nhìn sắc như dao cạo mà Trung tặng cho Hoàng lúc nãy. Tôi cố phân trần bằng một câu nói láo không chuẩn bị: -Em tao đó mày! Đừng có khùng! -Thôi đừng thực tập nói láo nữa, em mày mà học mười hai hả? Tao thấy phù hiệu rồi con à, "12A5", phải không? Trung nói trúng phốc, quả là mắt nó tinh anh quá chừng. Tôi lại cãi: -Thì là... em họ. Nói láo cái đầu mày thì có! Đám con trai vẫn lao xao, đứa nhìn tôi trầm trồ, đứa lại biễu môi... Tôi không quan tâm. Tất cả chỉ là râu ria, cái chính bây giờ là Trung, tôi chỉ chờ phản ứng từ nó. Trung gật gù: -Ừ, em họ mày dễ thương quá hen! -Cảm ơn. Tuy nói vậy nhưng Trung vẫn chưa buông tha tôi. Cuối buổi học, nó cười hì hì: -Sao mà tao nghi quá mày ơi. Nhỏ đó không phải em mày. -Muốn gì nữa đây? - Tôi cằn nhằn. -Muốn mày dắt đi uống nước. -Bộ mày nghèo đến vậy sao? Được thôi, chừng nào? Trung lại cười, nụ cười của kẻ chiến thắng: -Ngày mai! Chiều mai! Nhớ dắt theo nhỏ em họ cho tao làm quen đó! Trung bỏ đi ra khỏi lớp. Tôi ngơ ngác đứng như trời trồng giữa những dãy bàn lớp học. Thật không ngờ. Thằng quỷ này tuy dưới quê lên nhưng ba năm trời học ở phố đã biến nó thành một con người khác, cũng lắm mưu nhiều kế chẳng khác gì mấy bà bán cá ngoài chợ. Ba năm trời chơi với Trung, đây là lần đầu tiên nó nghĩ tôi có bạn gái, chắc vậy. Thến nên nó mới làm dai ra. Mà Hoàng đâu phải bạn gái của tôi.... Cũng không là em họ....Vậy là gì nhỉ. Một người bạn? Phải, một người bạn! Mà không, hơn một người bạn bình thường, bạn thân chăng? Vì chỉ có những người bạn thân mới làm người ta tin tưởng đến nổi từ chối một người bạn thân khác. Hoàng không phải là bạn gái tôi. Điều đó là tất nhiên. Nhưng lại cảm thấy thu thú khi bị Trung nghi là bạn gái. Con người ta thật là lạ, nhiều người thấy tức tưởi vì những nỗi oan khuất nhưng cũng lắm kẻ lại cứ thấy thích thú khi người ta gắn cho mình một cái gì đó không phải của mình, miệng cứ luôn phần trần nhưng lòng lại mong cho người ta đừng hiểu những điều mình thanh minh. Tôi sẽ tạm gác vụ nước nôi với thằng Trung qua một bên, bây giờ tôi cứ tận hưởng cái cảm giác bị nghi oan này đã. Và biết đâu trên đường chở Hoàng về, tôi sẽ kể cho nhỏ. Còn lắm chuyện vui. . Cảm ơn Hoàng, nhờ nhỏ nên Trung mới nghi ngờ và thế là có chuyện thú vi. Cảm ơn cơn mưa ngày nóng, nhờ vậy nên mới có ngày vui. *** Trung không chỉ là một kẻ đa mưu túc trí mà còn là một lão già hay quên. Chỉ sau một ngày mà nó đã quên sạch sành sanh mọi thứ hôm trước nó nghĩ. Thay vì nó phải bám sau lưng tôi như một cái đuôi để càm ràm về chuyện nước nôi hay châm chọc tôi và nhỏ Hoàng, nhưng không, vừa gặp tôi ở trường nó đã chìa ngay một xấp giấy A4 chi chít chữ. Giọng ngang phè bất cần, Trung bảo: -Thông báo mới nhất dành cho mày! -Gì thế? - Tôi vừa hỏi vừa ngạc nhiên giật lấy xấp giấy từ tay nó. Trung không trả lời, tôi không quan tâm. Những dòng đầu tiên đập vào mắt tôi là dòng chữ to đùng: "Thông báo", tiếp theo đó là... "Gửi các thầy cô chủ nhiệm các lớp, Gửi các tổ trưởng bộ môn, các giáo viên phụ trách đội tuyển, Gửi lớp trưởng tất cả các lớp khối mười, mười một, mười hai,. Ban Giám Hiệu nhà trường xin thông báo Theo quyết định số XYZ/abc của Sở GD&ĐT Thành phố, năm nay sẽ tổ chức cuộc thi học sinh giỏi cấp Thành phố như hàng năm dành cho học sinh cấp ba. Cuộc thi sẽ dược tổ chức vào ngày... tháng... năm.... Năm nay số môn tham gia dự thi vẫn không thay đổi so với năm trước. Tức là vẫn có... môn như năm trước: Toán, Vật lý, Hóa học, Văn, Sử Địa, Tin học, vv... Các em học sinh đủ điều kiện dự thi sẽ làm thủ tục dự thi (nếu muốn) theo hướng dẫn của thầy cô chủ nhiệm. ... Xin thông báo để các em học sinh và các thầy cô có những bước chuẩn bị thích hợp và kịp thời để đạt kết quả cao trong kỳ thi này. Trân trọng" Đó chỉ là một phần mà tôi đọc được khi lia mắt qua trang đầu tiên. Tôi biết thông báo của trường về kỳ thi học sinh giỏi không bao giờ ngắn như vậy. Sẽ còn còn nhiều trang tiếp theo. Nói về những vấn đề tiếp theo như: quy chế thi, nội quy phòng thi, nội dung ra đề cho từng môn,... những năm trước tôi vẫn photo đầy đủ thông báo của trường về kỳ thi. Nhưng dầu cho mớ thông tin ấy có nhiều đến mức nào thì cũng không thể nhiều bằng xấp giấy Trung đưa cho tôi. Tôi ngẩng mặt nhìn nó hỏi: -Còn gì nửa không sao mà nhiều thế? Trung nhận ra tôi đã xem xong trang thứ nhất, nó vội vàng thay thế câu trả lời bằng một câu hỏi khác: -Mày sẽ tham gia chứ? Tôi ngớ người: -Dĩ nhiên, sao lại không? Lớp chuyên, được đạo tạo chỉ một mục đích là giật huy chương về cho trường! Tôi cảm thấy tự hào vô cùng khi nói câu nói đó. Phải tôi là học sinh lớp chuyên, Trung cũng vậy và còn nhiều đứa khác. Chung lớp là thế, nhưng chẳng đứa nào hiểu hết ý nghĩa của chữ "chuyên" nằm sau lưng chữ "lớp". Tôi chắc cũng đã hiểu sai khi cho rằng mục đích là giành huy chương. Trung trả lời từ tốn, như ngư ông khẽ đưa cần câu qua lại dụ cá: -Đã bao giờ mày giật huy chương chưa? -Chưa... -Vậy là mày chưa đạt mục đích của lớp học này, lẽ ra mày đáng bị học lớp khác Huy à. Từ năm lớp mười đến giờ, đã qua hai kỳ thi tôi vẫn chưa đạt được thành tích nào dù chỉ là một cái huy chương đồng dở hơi nhất. Nhưng mà Trung cũng thế thôi, nó có hơn gì tôi cũng như môn Toán của nó cũng khó như môn Tin của tôi. Thế mà giờ nó lại đem chuyện này ra để nói tôi không xứng đáng học lớp chuyên. Tôi gằng lại: -Mày cũng như tao! -Không, tao khác mày! Tao không có đề ra mục tiêu học lớp chuyên để giật huy chương! Trung lại đúng. Nếu có một tòa án nho nhỏ của trường lập ra để xử những vụ kiện nho nhỏ thì chắc tôi sẽ "ra tòa" vì câu nói đầy tự hào của mình. Và biết đâu, tôi phải chuyển xuống lớp thường vì quá xấu hổ. Câu trả lời của Trung làm tôi nhận ra là mình đã đi lạc đề của cuộc nói chuyện, Trung đã đưa nó về quỹ đạo: -Tao sẽ không thi lần này đâu! -Tại sao không thi? -Tao muốn dành tất cả thời gian để ôn thi đại học. -Mày nói chuyện... Bộ Toán này với Toán đại học là hai thứ khác nhau hả? Nhắc tới đại học mới nhớ, mày còn đỡ, tao thi cái gì? Tin học, khối A có Tin học không? -Tùy mày thôi... Trung thở dài rồi lẳng lặng bỏ đi, chưa bao giờ thằng nhà quê này tỏ vẻ ưu tư như ngày hôm nay. Mặt nó nặng trình trịch như đeo tạ. Tôi chợt nhớ ra câu hỏi lúc nãy mà Trung chưa trả lời: -Còn thông báo nào nữa không? Cái tạ di động bất ngờ quay lại, vẫn cái giọng ngang phè: -Hội trại dành cho lớp mười hai do Đoàn tổ chức! -Bí thư chưa có sao mày lại...? Quả tạ nở một nụ cười trừ: -Thì chui vô văn phòng Đoàn chôm chứ sao trăng gì! Ấy mới hay, thằng Trung dù ở trạng thái nào, phiền não hay phấn khởi, vui sướng hay buồn khổ, và bất kì lúc nào, bất kì lý do gì, vẫn có thể cười được. Dường như cuộc sống này có một phần không nhỏ là của những nụ cười. *** 'Huy ơi, đâu rồi? Đang làm gì đó?'. Giọng Hoàng dồn dập từ ngoài cửa. Hôm ấy là chủ nhật, tôi đang "nướng" trên giường vậy mà bị nhỏ dội nguyên xô nước lạnh vào làm cho củi lửa tắt rụi, lấy gì mà "nướng" nửa. Tôi lồm cồm bò ra khỏi giường, vội đi rửa mặt. Khi bươc ra cửa, tôi gắt: -Chuyện gì mà mới sáng đã kêu réo ầm ĩ thế? Vẻ mặt Hoàng thoáng chút bất ngờ. Gió từ bên ngoài thổi luồng vào trong nhà, đi qua cửa rào sắt, đi qua mái tóc của Hoàng làm nó hơi bồng bềnh một chút, trông đẹp cực kỳ. Hoàng nhỏ nhẹ: -Hôm nay đi lên trường dự hội trại. Huy quên rồi sao? Câu hỏi bỏ lửng ở đó làm ruột gan tôi nhảy chồm chồm trong bụng. Tôi vội quay lưng đi để che giấu nét mặt của một kẻ lúng túng. Và qua quít: -À, đâu có! Đi chứ! Đợi Huy một chút. -Hoàng đợi ở ngoài cửa nha? Tôi gật đầu cái rụp rồi chạy tọt vào trong thay đồ và chuẩn bị mọi thứ để tham dự hội trại. Cái hội trại àm ngày trước thằng trung vừa cho xem thông báo mà nó chôm từ văn phòng Đoàn. Cả lớp, chỉ tôi và Trung biết, coi như là biết trước lớp, đôi khi lại biết trước cả khối nửa chứ. Vậy mà giờ đến ngày tôi lại quên mất, phải để nhỏ Hoàng lết qua cửa gọi. Thật chẳng ra gì? Đôi khi quýnh quáng quá người ta cũng chẳng nhớ đến lịch sự là gì. Lịch sự quả là một chuyện xa xỉ với những tên con trai dị ứng với con gái như tôi đây, ngày hôm ấy, tôi đã cho nhỏ Hoàng ngồi chổm hổm trên bậc thềm ngoài cửa rào gần hai chục phút bè bạn cùng nắng "mới". Căn bệnh dị ứng là một căn bệnh không thể chữa khỏi. Tôi tin là như vậy, vì nhà thuốc tây đầu ngõ không bao giờ bán thứ thuốc nào trị dứt bệnh dị ứng cả. Theo các dược sĩ ở đó thì họ nói, chỉ có thuốc điều trị triệu chứng thôi, quan trọng là mình phải biết tránh tác nhân gây dị ứng. Ừ thì là vậy, không có thuốc đặc hiệu với các loại dị ứng thông thường, nhưng di ứng con gái thì sao nhỉ, và dị ứng luôn cây dù màu đỏ của con gái thì sao nhỉ? Chẳng ai biết. Bây giờ là giữa tháng ba, đã hơn nữa học kỳ rồi. Kỳ thi học sinh giỏi cũng chỉ còn hai tuần nữa là đến. Hoàng đã đặt chân lên ngôi trường này được hơn hai tháng rưỡi rồi và ngồi trên xe đạp của tôi cũng cỡ chừng ấy thời gian. Chúng tôi quen nhau như vậy có gọi là nhiều không? Theo lời ông dược sĩ nào đấy nói ở trên, tôi đã tiếp xúc với "tác nhân dị ứng" hơi bị nhiều rồi. Thế mà bệnh tình không những không tăng mà còn có phần thuyên giảm! Coi chừng tôi sẽ là người đầu tiên được trải nghiệm phương pháp điều trị dị ứng mới nhất của nhân loại. Chuyện này có cơ xảy ra lắm đấy! Hoàng đi hội trại, vai mang một chiếc ba lô to đùng, tay cầm cây dù đỏ quen thuộc. Trông thật ngứa mắt. Hội trại cũng chẳng có gì đặc biệt ngoài cái sân trường rộng thênh thang nay bị phủ kín những túp lều đầy màu sắc. Ngoài ra còn có sự góp mặt của rác rến và tiếng la ó om xòm điếc tai của những tên con trai quá khích của những nhỏ con gái điên loạn. Nhỏ Hoàng mất tăm trong những chiếc lều rực rỡ, tôi mặc kệ, tôi không phải là vệ sĩ của nhỏ, nhỏ muốn làm gì thì làm. Phần tôi, tôi lặng lẽ đến chiếc lều lớp mình nằm vật ra giữa bộn bề những tiếng ồn, những con người nhao nhao xung quanh. Lúc bấy giờ, cuốn sách Tin học đã lật ra và chữ bắt đầu chạy vào trong đầu. Trung cũng đã có mặt, sau khi củng bọn con gái chuẩn bị mấy thứ vặt vãnh ở đâu về, nó kêu tôi: -Ra đây chơi mày, có trò kia vui lắm kìa! Nói rồi, nó chẳng thèm chờ tôi phàn ứng gì mà đã vọt ra khỏi lều như con sóc. Chắc Trung thấy cuốn sách đang úp vào mặt tôi. Cứ như thế mọi tiếng ồn lướt qua tai tôi như một cơn gió, thời gian dần trôi theo những trang sách. Một buổi hội trại tưởng chừng sẽ vô vị như thế... nhưng đến một lúc nọ... -Ra đây chơi mày, nhỏ "em họ" mày rủ kìa! Tôi giật thót người, cuốn sách to tướng rơi xuống mặt một cái bịch. Không đau, nhưng quê. Lại là Trung, có chuyện gì đây? Chiếc bàn nhựa hình chữ nhật trong căn tin được kê ra và cuộc trò chuyện ba người bắt đầu. Tôi, Hoàng và Trung. Tôi hơi gượng gạo: -Xin lỗi mày, đây không phải... - tôi chỉ tay về phía Hoàng. -Tao biết rồi! Cái mánh này, thằng nào mà không biết! Hoàng cười: -Thật ra là Hoàng và Trung đã gặp nhau trước rồi. Tôi ngỡ ngàng. Thằng Trung nhìn tôi nghênh mặt. Ý của nó là: "Chẳng ai thèm ăn cướp 'em họ' của mày đâu, tụi này chỉ là bạn và là bạn thôi!". 'Kệ cha mày, tao cóc quan tâm', và đó là những gì tôi nghĩ. Sau mở màn chẳng ra cái gì, một kẻ im lặng nghe hai tên còn lại nói chuyện, lâu lâu lại gật đầu một cái. Câu chuyện dài lê thê những câu chuyện nhỏ hơn. Câu chuyện dừng lại ở những tràng cười ngặt nghẽo của ba đứa. Câu chuyện trôi dạt trong một biển mênh mông vô tận những vui buồn, những kỷ niệm... Và tôi phải ngụp lặn trong cái đại dương rộng lớn ấy, ngoài cười và gật đầu ra, không biết kể gì, phó thác con thuyền ba người hoàn toàn cho hai đứa bạn tha hồ mà kể lể. Trung kể chuyện gia đình nó, chuyện dưới quê mất mùa, tiền bạc nhà nó không còn nhiều nửa và nó sẽ phải đi làm thêm. Chính vì lý do này mà nó sẽ không còn đủ thời gian để học ở nhà nửa. Tôi hỏi, mày sẽ đi làm ở đâu. Nó chỉ ậm ừ, chỗ này chỗ kia rồi chỗ nọ. Tất cả im lặng và chỉ còn biết im lặng. Tôi im lặng vì thấy mình bất lực trước khó khăn của thằng bạn thân. Trung im lặng vì nó không thể nói được gì hơn. Trung ngước mặt lên, nhìn gì đó trên trời, nhưng tôi biết, nó đang cố không cho nước mắt chảy ra. Hoàng im lặng vì sao? Quả thật tôi không biết vì sao. Ôi những con người, rốt cục vẫn mãi là con người, vẫn yếu đuối thế thôi! ... Câu chuyện của chúng tôi không thể cứ dừng lại mãi trong im lặng như vậy được. Mọi sự vẫn vận động, chúng tôi cũng thế. Rồi cũng có một trong ba đứa lên tiếng phá tan sự im lặng não nề này. Đó là Hoàng. -Chắc tuần sau... Hoàng sẽ nghỉ học... -Sao lại nghỉ? -Nghỉ học đi đâu? Cả hai thằng con trai như muốn nằm đè lên cái bàn. Nhỏ con gái giật mình. 'Đi về quê'- nhỏ con gái thì thào. Về làm chi, tôi hỏi, Trung cũng hỏi. -Có việc. -Việc gì mới được? -... Cả hai thằng con trai bỏ cái bàn ra, trở về tư thế ban đầu. Và cả ba lại im lặng. Tất cả đều hiểu rằng chuyện này không thể nghe được và cũng không thể nói ra được. Một lần nữa, lại im. Lần này thi câu chuyện chấm dứt hẳn. Trung đứng dậy, đá ghế qua một bên, nói là đi mua nước nhưng đi đâu mất tăm. Hoàng cũng thế, khẽ nhìn tôi rồi cười: "lát nữa chở Hoàng về nha, Huy". Chiếc bàn ba người giờ con lại mình tôi trơ trọi. Ngoài kia sân trường vẫn ầm ĩ nhưng tiếng la hét nhưng sao lòng tôi bây giờ lại yên ắng lạnh lẽo quá chừng? *** Chào tất cả các bạn, những người đã cùng tôi theo suốt một chặng đường không ngắn để đến được đây. Câu chuyện của tôi đã đến lúc kết thúc... Chiều một chủ nhật giữa tháng ba, trời lại đổ mưa. Trên con đường quen thuộc có bóng dáng một chiếc đạp cùng một chiếc dù đỏ. Trên xe là hai người, tên con trai ngồi trước, nhỏ con gái ngồi phía sau, tay cầm dù cố gắng che cho cả hai. Mưa trút ầm ầm. Rổ chiếc xe đạp đầy những lon nước ngọt những bịch bánh to bự. Đó là quà mà hai đứa mang từ trường về. Hội trại ở trường chưa kết thúc nhưng sau khi có quà, nhỏ con gái cứ nằng nặc đòi về, mặt nhỏ có gì đó vui lắm. Ừ thì về, tên con trai gục gặc. Đi giữa đường trời bằng đầu mưa. Dù đỏ trên tay nhỏ con gái bung ra, đỏ rực cả chiếc xe. Nhỏ nói, có biết dù đỏ trong mưa là gì không. Thằng con trai ra chiều suy nghĩ một hồi rồi cũng mở miệng, hông biết nói đi. Nhỏ con gái từ tốn, chiếc dù màu đỏ, tròn tròn trông có giống ông mặt trời không? Ừ, giống. Nhỏ con gái tiếp, mặt trời trong mưa là niềm tin vào lúc nào đó, mưa sẽ thôi rơi, trời sẽ lại sáng. Tên con trai không đáp, nước tạt xối xả vào mặt hắn, đau rát,... Tên con trai cố gắng chống cự với con mưa ngày càng nặng hạt và những cơn gió mạnh điên cuồng. Chiếc dù cứ đong đưa trong làn mưa, chốc chốc lại giật lên như thể muốn cất cánh bay đi. Nhỏ con gái ngồi phía sau, đưa cặp mặt lo lắng nhìn tên con trai rồi nhìn chiếc dù... và tay nhỏ vẫn cầm chặt lấy nó, vì nhỏ tin vào những điều nhỏ vừa nói với tên con trai. Chiếc xe hôm nay lạ. Hay người đạp lạ. Chiếc xe không đi theo đường cũ về nhà. Hay người đạp lại muốn con dường dài mãi. Tên con trai tấp vào một bờ kè nào đó trên đường. Áo quần hai đứa đã ướt sủng nhưng cả hai đều không lạnh. Tất cả bánh kẹo và nước ngọt lấy từ trong rổ xe được mang ra. Bữa tiệc của hai đứa khùng diễn ra trên bờ kè giữa màn mưa giăng giăng dày đặc. Ngồi từ bờ kè nhìn xuống thấy một con sông khá dài, uốn éo như một con rắn. Mưa đâm xuống con rắn ấy vô số những giọt nước tạo nên không biết la bao nhiêu những đốm tròn nhỏ li ti trên da con rắn. Đường phố trời mưa vắng tanh không một bóng người, chỉ có hai người trên bờ kè đá. 'Hoàng có chuyện này cần nói...' 'Hoàng nói đi' 'Sau khi Hoàng về quê, Huy có còn nhớ Hoàng?' Tên con trai im lặng khẽ bóc một chiếc bánh, bẻ ra làm đôi, đưa cho nhỏ con gái. Bánh đã thấm đầy nước mưa, mềm xèo, vừa chạm tay là đã vỡ nát ra. Tên con trai đưa mắt nhìn ra xa, chẳng còn lựa chọn khác sao, hắn nói. Nhỏ con gái cũng đang nhìn đâu đó xa xăm, chợt nghe thấy quay đầu lại, khẽ khàng hỏi tên con trai còn nhớ những gì nhỏ nói về cây dù đỏ không. Tên con trai không đáp hay không muốn đáp, hắn không muốn chập nhận điều đó, dù biết rằng dù thế nào đi nữa nhỏ vẫn phải xa hắn. Căn bệnh dị ứng của hắn bây giờ biến đi đâu mất tiêu vậy mà hắn không vui tí nào. Kể cũng lạ. Nhỏ con gái hỏi: -Huy có biết những bánh kẹo này ở đâu ra? -Không. Nhỏ con gái kể từ đầu đến cuối nguồn gốc của những chiếc bánh, những lon nước ngọt mà hai đứa đang cầm trên tay. Đó là phần thưởng cho cuộc thi vẽ tranh trong hội trại. Bức tranh của nhỏ vẽ một con đường đầy mưa, trên đường có một cô gái nhỏ nhắn cầm một chiếc dù đỏ. Cô gái ấy không che hết cho mình mà chỉ che phân nửa, phần còn lại của chiếc dù được đặt vào khoảng không. Nhỏ nói đó chính là nhỏ, còn khoảng không kia là dành cho tên con trai... Cả hai lại im lặng... ... *** "Mưa thành phố hay nhử người ta" , ai đó đã nói như vậy. Nhiều lúc mây đen ùa tới rồi ùa đi mất. Nhiều lúc vừa mưa lại vừa tạnh. Nhiều lúc trời đang quang bỗng mưa một cái rụp. Con người cũng vậy, đang lúc này bỗng lại chuyển sang lúc khác. Sớm hơn dự định, nhỏ con gái ra đi ngay sau buổi chiều chủ nhật ướt mưa. Những thứ nhỏ để lại cho tên con trai không nhiều, vài cuốn sách tin học nhỏ mua ở đâu đó, vài tờ báo e-chip, một sợi dây sên xe đạp nhỏ bảo là trả công cho "tài xế", một cuốn lưu bút, một cuốn nhật ký những ngày sống ở đây và một cây dù màu đỏ. Đó là những gì mà mẹ tên con trai và những người khác thấy. Nhưng có ai biết được, nhỏ con gái đã để lại cho hắn cả những cơn mưa...
nguồn: wattpat tác giả: nguoitimlydo
|