Ma - Vương Khản
Vương Khản là con thứ ba một gia đình nông dân sống ở ẩn trong núi. Một hôm Khản đang dẫy cỏ ngoài đồng, bỗng một cơn gió lớn đùng đùng nổi dậy, làm cát bay đá chạy trời đất tối sầm. Khản đang tính tìm chỗ ẩn nấp, chợt thấy một người con gái, áo quần hoa lệ, nhưng đầu tóc rối bù, chân không hài vớ, từ đằng xa hộc tốc chạy tới phía chàng. Nàng vừa chạy vừa kêu gọi Khản: - Tam lang... cứu thiếp với! Trong lúc vội vàng hoảng hốt, Khản chẳng kịp tìm hiểu cho rõ lý do tại sao, buột miệng bèn hỏi: - Cứu nàng bằng cách nào? Người con gái đáp: - Xin cho thiếp núp nhờ ở dưới chuồng cỏ. Lát nữa có cơn lốc kéo đến, chính là kẻ đuổi bắt thiếp đấy. Nhờ chàng nói dối dùm thiếp đã chạy về hướng Tây rồi nhé! Nói xong nàng liền lẩn vào trong chuồng cỏ. Một lát sau, quả nhiên có một cơn lốc xoáy từ Đông Bắc thổi đến, cao lớn lừng lững như một cái tháp Phật, cuồng bạo và mãnh liệt như ngựa lồng, vây chung quanh thửa ruộng của Khản mấy vòng, làm cho lá rơi cây rụng tơi tả. Khản y lời người con gái dặn, lấy tay chỉ về hướng Tây, để đánh lừa cơn lốc. Lập tức có một tràng sấm nổ vang trời, và cơn lốc như hiểu ý người, ào ào chuyển hướng thổi về phía Tây, khiến cho Khản vô cùng ngạc nhiên và kinh dị. Đến lúc hết cơn lốc, Khản mở cửa chuồng cỏ, đã thấy người con gái ngồi núp trong đó, đang xé quần để lấy vải quấn chân. Nàng thấy Khản đến, thì nhoẻn miệng cười duyên, lấy tay vấn lại mái tóc, trên trán hãy còn lấm lấm mồ hôi, hơi thở chưa được đều đặn bình thường. Khản để ý nhìn kỹ nàng, thấy mày ngài, khoẻ mạnh, diễm lệ ít có vừa mừng vừa ngạc nhiên, bèn lấy giọng ôn tồn an ủi nàng rằng: - Kẻ đuổi bắt nàng đã đi xa rồi, nàng không việc gì phải sợ hãi nữa. Nhưng ta không tin, như thế mà được coi là thi ân cho nàng sao? Người con gái đứng dậy xá chàng, cảm tạ rằng: - Ân sâu đức rộng, thiếp xin ghi nhớ suốt đời. Khản nói: - Như vậy, nàng định lấy gì để trả ơn cho ta? Đáp: - Lụa là gấm vóc châu báu ngọc ngà, thiếp xin để chàng chọn lựa? Khản cười, nói: - Ta đâu có cần đến những thứ đó. Điều ta muốn, thì nó to lớn vô cùng! Vậy chàng có thể cho thiếp biết được không? Khản chỉ cười, không chịu nói ra. Người con gái hơi lộ sắc hờn giận nhìn Khản, nhưng lại tươi cười ngay, nói đùa: - Chàng thật là đại bất lương, thiếp không thể nào không trở thành kẻ phụ ơn được. Nói xong nàng muốn bỏ đi. Khản dang tay chặn lại, nhưng nàng đã lẹ làng và nhanh như hơi gió, luồn qua nách của Khản, khiến cho chàng không sao bắt kịp. Rồi thoắt biến mất, không thấy hình tích gì nữa. Khản vỡ niềm hy vọng, vừa buồn vừa hận, rầu rầu vác cày trở về nhà. Lúc đi gần đến đầu chiếc cầu gỗ, đã thấy người con gái ngồi ở trên một phiến đá phía bên kia bờ suối. Nàng thấy Khản đến, tươi cười nói: - Hẳn chàng đã cho thiếp là kẻ vong ân bội nghĩa rồi phải không? Khản thình lình gặp lại nàng, đổi buồn làm vui, sắc mặt vui vẻ hòa dịu hẳn lên, hỏi: - Nàng đã thoát khỏi tai nạn, chẳng tìm chỗ an nhàn mà đến, sao còn lưu luyến chốn này làm gì? Người con gái vội vã chạy đến nắm lấy tay Khản, đáp: - Đùa với chàng một chút, nỡ nào lại giận nhau vậy. Nếu chàng cho thiếp là kẻ vong ân phụ nghĩa, ấy là chàng chỉ mới biết đá, mà chẳng biết vàng. Xin chàng cứ cho thiếp theo về, đừng coi thiếp là thứ rau hoang cỏ dại mà bỏ nhau nhé. Khản nghe nàng nói vậy, thì mừng cuống bèn đưa nàng về nhà mình. Năm Khản vừa đúng hai mươi mốt tuổi thì cha mẹ đã qua đời, chỉ còn mỗi người em gái. Mọi việc trong nhà đều do em chàng lo liệu. Người em thấy Khản dẫn một người con gái vừa trẻ vừa đẹp về nhà thì lấy làm ngạc nhiên hỏi dò lai lịch. Khản cũng đem hết câu chuyện thuật lại cho em nghe. Em chàng nhìn kỹ người con gái một lúc rồi tươi cười bảo chàng: - Đẹp như chị ấy thế này, em còn thương nữa là anh! - Không có gì phải lo lắng lắm. Ngại nhất là cái mụ Tám Chung, hàng xóm nhà mình, thường nhật vẫn ngôi lê đôi mách, đặt điều bịa chuyện khắp làng, thì nay mụ ta đã bỏ đi biệt tích không về nữa. Em thấy chị ấy có vẻ ngoài tú lệ, nhẹ nhàng, tất cũng là người thông minh, khéo léo có thể dựa dẫm vào nhau chung sống qua ngày được, chỉ sợ anh phận mỏng phúc bạc, không có duyên với chị ấy mà thôi. Người con gái đứng dậy, sửa lại nếp áo, rồi nghiêng mình thi lễ cảm tạ người em của Khản: - Tôi là Bạch nữ, mang ơn lớn của Tam Lang, nên nguyện đem thân về hầu hạ chàng cho phải nghĩa. Chỉ sợ cô nương không có bụng dung nạp chứa chấp mà thôi. Nếu như cô nương đã có lòng thương tưởng, thì mọi việc xin để tôi gánh vác, tất sẽ được tốt đẹp, vững vàng còn lời người đàm tiếu chớ nên để ý làm gì vội. Cô em của Khản được người con gái khen ngợi tâng bốc như vậy lại càng hoan hỷ hơn, bèn đi giết gà, làm cơm để cho hai người làm lễ hợp cẩn. Từ đấy vợ chồng ăn ở với nhau rất là hòa mục đầm ấm. Em chồng chị dâu mà chẳng hề có chút hiềm khích nào. Khản hỏi về gia tộc, thân thế thì nàng đáp: - Thiếp là gái làng Lương, họ Bạch, năm nay vừa mười chín tuổi. Thiếp mồ côi cha mẹ từ hồi còn nhỏ, một thân một mình không chỗ nhờ cậy. Hôm qua, ngẫu dạo du Xuân, chẳng ngờ gặp phải con Tịnh gió nó bức bách, may được chàng cứu, bằng không đã về chầu Diêm Chúa rồi. Khản lại hỏi: - Vậy, trước kia nàng chỉ có một mình thì sống ở đâu? - Thiếp chẳng có nhà cửa chi cả, ngày ngày phiêu bạc như cánh bèo trôi. May là táp vào những nơi yên ổn, nên không bị những kẻ cường bạo khinh khi hà hiếp. - Như thế thì nàng sinh sống bằng cách nào? - May vá đôi chút mà thôi. Người em gái của Khản nói xen vào: - Miễn sao tâm hồn trong sạch thì dù có lưu lãng vô gia cư đáng kể gì. Từ nay, anh lo cầy cấy, chị lo bếp nước, còn em lo việc cơm ra đồng cho anh, thì ta lo gì không tạo một gia đình đầm ấm êm đẹp. Trước hết, ngày mai anh nên mua một sắp vải bố, để may quần áo cho chị ấy. Con nhà nông lẽ nào lại ăn mặc sặc sỡ thế này. Khản nói: - Loại vải bố lúc này hiếm, sợ không mua được. Bạch nữ nói: - Chuyện đó không khó khăn gì cả. Thiếp có cất giấu được mười sấp vải loại đó, để ở bên dưới bệ thờ trong miếu thổ địa cạnh bờ suối. Nhờ chàng chịu khó ra lấy mang về. Lúc đầu, Khản không tin, sau bi vợ thôi thúc đành phải đi vậy. Quả nhiên lấy được mười sấp vải bố mang về đưa cho người em gái. Em chàng hỏi: - Cổ miếu hoang lương, chị giấu vải ở đấy từ bao giờ? Bạch nữ tính tình cực kỳ thông tuệ. Nữ công, gia chánh chẳng việc gì nàng không biết, không rành. Người em gái của Khản so với nàng không bằng, nên càng tỏ kính nể người chị dâu hơn. Gặp năm bị hoàng trùng, mấy chục mẫu ruộng của gia đình Khản số thâu chỉ còn lại có hai ba phần. Hai anh em Khản ngày đêm âu sầu lo lắng. Đói, rét còn có thể chịu đựng được. chứ tiền thuế thì không có ắc không xong. Duy chỉ mình Bạch nữ thì vẫn vui vẻ, không lấy đó làm lo. Khản bàn với em đến vay tiền của lão phú hộ họ Ngưu, nhưng Bạch nữ cản lại nói: - Chàng và tiểu cô tính vậy là sai, theo thiếp nghĩ, lão bá hộ họ Ngưu chỉ là một tên nô lệ của tiền bạc, chẳng phải là con người tử tế đâu. Nếu chẳng có uy thế để mà làm cho lão ta nể vì thì dầu là thân tộc, bằng hữu chí thiết đến nhờ vả, lão ta cũng lờ đi. Huống hồ, chàng chỉ là một kẻ xa lạ với lão, lại ít tuổi, chưa có uy tín gì, đến vay chỉ xấu hổ thêm thôi. Không đời nào lão cho vay đâu. Chi bằng cứ thuận thiên mệnh, việc đến lúc nguy sẽ có cách giải. Xin chàng và tiểu cô hãy yên lòng chờ đợi. Khản không nghe, cứ áo quần tề chỉnh đến nhà lão Ngưu để mượn tiền. Quả nhiên đúng như lời tiên liệu của Bạch nữ. Khản bị lão Ngưu phũ phàng từ chối. Chàng ôm hận lủi thủi trở về nhà, thì lại gặp viên nã thuế đứng chờ ở cửa. Y trông thấy Khản thì lập tức lớn giọng hạch sách, núm chặt lấy chàng, không chịu thả ra. Khản hết lời biện giải, phân trần rồi mời y vào ngồi trong nhà. Sau đó, chàng vào trong phòng cùng vợ và em bàn cách đối phó. Bạch nữ hỏi: - Thuế đòi bao nhiêu? Khản đáp: - Cả số thuế thiếu năm trước là hơn ba lạng. - Thiếp lại cứ tưởng nợ ngàn. nợ vạn, chỉ ngần ấy có gì mà không trả nổi. Làm thiếp tốn mất mấy ngày phân vân tính toán. Ở dưới viên gạch, nằm về góc phía Bắc của miếu thổ địa, thiếp có giấu một chum bạc, chàng hãy đến đó đào lên mà lấy trả tiền thuế, vẫn còn dư nhiều để làm kế sinh nhai. Bất ngờ được nghe Bạch nữ nói như thế, Khản hết sức mừng rỡ, nhưng rồi lại ngờ cho đó chỉ là những lời nói bông lơn của vợ. Em chàng phải thúc dục: - Chuyện mười xấp vải lúc trước đã đúng, thì lần này chắc cũng chẳng sai đâu, anh nên đi ngay đi, đừng chậm trễ do dự nữa. Khản bèn leo qua bức tường sau nhà, vội vàng đến thẳng miếu thổ địa, đào chỗ viên gạch mà vợ chàng đã chỉ, thì quả nhiên đào được một cái chum bằng đất nung đen. Mở nắp ra coi, thấy đầy ấp trắng xóa những thỏi bạc. Khản mừng cuống lên như học trò nghèo đi thi trúng tuyển, vội vã trụt bỏ hết áo quần ra để gói bạc lại rồi vác lên vai thong dong trở về nhà. Trả đủ số cho viên lại dịch đến nã thuế, còn đãi y một bữa no say. Số bạc còn lại, Khản đem đổi được trăm lượng vàng bèn tậu ruộng, cất nhà, mỗi ngày một giàu. Việc buôn bán nhất nhất đều nghe lời vợ. Trong vòng có hai năm, lãi bồi lãi Khản trở thành người giầu có nhất làng. Bạch nữ thấy Khản thường nghĩ ngợi về chuyện không có con kế tự, thì lấy làm không vui, bảo Khản rằng: - Chàng vừa mới được no cơm ấm áo là đã nghĩ ngay đến chuyện lấy vợ bé. Người đâu sao bạc bẽo thế! Khản đáp: - Chẳng phải là ta phụ tình nàng đâu, chỉ vì sợ đời ta hết rồi, sẽ không có người lo lắng hương hỏa cho tổ tiên mà thôi. - Nếu muốn vậy, xin chàng đừng lo nghĩ chi nhiều nữa, để thiếp sinh cho chàng một đứa con vậy. Khản cười cho là nàng đùa. Tối hôm ấy, hai vợ chồng ngồi ở trong phòng, Bạch nữ dặn Khản là đừng đi ngủ trước, rồi nàng lên giường, buông mùng một mình ở trong đó, miệng lảm nhảm một hồi. Chừng ăn vừa xong một bữa cơm, thình lình Khản nghe có tiếng trẻ con oe oe khóc, rồi Bạch nữ đi ra thay quần áo bảo chàng: - Chàng vào mà thăm con! Khản vô cùng sợ hãi, mở màn ra coi, thấy một đứa con trai, quấn gọn trong chiếc tã, nằm ở trên giường, mặt mũi xinh đẹp như một bức tranh. Khản vừa mừng vừa lo, vội vàng báo cho người em gái biết. Em chàng cũng lấy làm hoan hỷ, bèn đặt tiệc ngay ở trong phòng để ăn mừng. Bạch nữ sau khi sinh nở vẫn ăn uống cười nói như lúc thường chẳng kiêng cữ gì. Anh em Khản đều thầm cho là điều lạ lùng, bèn đặt tên cho đứa bé là Dị Sinh. Cùng ấp với Khản, có một người phú hộ họ Lưu, gia tư cực vạn. Ông ta có người con tên Tuyền, là học trò Quốc Học ở kinh sự Đã hai mươi tuổi mà chưa có vợ, nghe đồn em Khản là người vừa đẹp vừa hiền thục, bèn nhờ mai mối đến hỏi. Khản định nhận lời, nhưng Bạch nữ hết sức ngăn cản, cho là không nên. Khản nói: - Người ta là gia đình hào phú, lại trọng lễ nghĩa. Tuyền cũng là người thiếu niên anh tuấn thực thà, tiểu cô về làm dâu nhà ấy cũng là xứng đáng, sao nàng lại cản trở? Chàng không nghe, cứ tự ý gả em cho nhà họ Lưu. Bạch nữ đành thở dài, bảo Khản: - Vợ chồng là duyên số trời định. Cưỡng lại, chỉ chuốc lấy những điều không may mà thôi. Họ Lưu với thiếp trước từng có hiềm khích với nhau. Nay dù là thân tộc, thiếp cũng tránh vậy, nếu Tuyền đến chơi, đừng để cho Tuyền gặp mặt thiếp, bằng cố ép, ắt sẽ sinh ra tai họa. Xin chàng nhớ kỹ, đừng quên. Đến khi em Khẩn lấy Tuyền rồi thì vợ chồng hòa mục, rất là êm ấm. Tuyền vẫn nghe đồn Bạch nữ là người nhan sắc diễm kiều, lòng muốn đến gặp. Tuyền đã nhiều lần xin với Khản, đều không được Khản đồng ý, bèn mưu tính với vợ đặt tiệc rượu mời Khản đến ăn, rồi thừa cơ đi tiểu, một mình lén đến nhà Khản. Khi tuyền đến nơi, gặp đúng lúc Bạch nữ đang cho con bú ở ngoài sân. Tuyền đường đột tìm đến chắp tay vái chào, khiến cho Bạch nữ bị bất ngờ không kịp né tránh, vội vã đưa tay áo lên che mặt, đứng sững sờ bất động. Tuyền nhìn kỹ nàng một hồi lâu, bỗng tỏ ra kinh hoàng sợ hãi, hoảng hốt ba chân bốn cẳng chạy một mạch về nhà. Về đến nhà, sắc mặt hãy còn tái xám như trọ Hai anh em Khản đều ngạc nhiên, gạn hỏi duyên cớ, Tuyền phải trấn tĩnh một lúc thật lâu, mới lấy lại tinh thần, quay ra hỏi lại Khản rằng: - Tẩu tẩu là con gái nhà ai? Huynh đệ và tẩu tẩu lấy nhau được mấy năm rồi. Trong chuyện này có nhiều điều quái dị, xin huynh cho đệ biết cặn kẽ, đừng giấu diếm chi cả. Mới đầu Khản còn chống chế, che đậy, không muốn nói thực. Tuyền thấy vậy, mới nghiêm sắc mặt, trịnh trọng bảo với Khản rằng: - Anh em trong nhà, là tình chí thân cốt nhục, huynh đừng giấu diếm. Sỡ dĩ đệ nằng nặc mà cật vấn huynh như vậy là có thâm ý cả. Sao huynh lại coi đệ là người xa lạ đến thế. Em Khản đã lâu, vốn cũng có bụng nghi ngờ, nay nghe chồng nói thế, thấy cũng hữu lý, bèn nói thêm vào. Khản bất đắc dĩ đành phải thú thực. Tuyền nói: - Như thế là huynh gặp hồ ly rồi đấy. - Làm sao mà hiền đệ biết? Tuyền bèn kể: - Chẳng giấu gì huynh, đã lâu đệ vốn có hâm mộ tẩu tẫu là người hiền thục, trong bụng vẫn áy náy là không được kiến diện bao giờ. Lúc nãy mời huynh đến ăn, chỉ cốt để giữ huynh lại đây, rồi đệ một mình thừa cơ đến bái phỏng tẩu tẩu. Chừng đến nhà huynh, thì lại gặp tẩu tẩu ở ngoài sân. Đệ không ngờ tẩu tẩu lại xinh đẹp đến thế, nên cố ý nhìn kỹ, té ra, chẳng phải ai xa lạ, tẩu tẩu chính là kẻ đã từng gieo tai họa cho đệ. Nguyên trước đây ba năm, một hôm đi ra đồng thăm mộ, giữa đường gặp một người con gái rất đẹp, bụng có ý yêu thầm. Chẳng ngờ, lúc về đến nhà đã thấy cô ta ở trong phòng. Nàng tự giới thiệu là họ Bạch, cùng đệ vốn có mối duyên tiền kiếp. Lúc đó, đệ sướng đến tê người, chẳng cố kỵ chi cả, bèn cùng nàng gần gũi giao hoan. Được gần hai tháng, người đệ cứ mỗi ngày một hao mòn gầy guộc. Cha mẹ đệ biết là bị chồn ám, tìm trăm phương nghìn kế chữa trị mà chẳng khỏi, sau phải đem lễ vật đến cầu phép của đạo sĩ họ Phương ở Sơn Đông. Được đạo sĩ trao cho hai lá bùa, trên viết chữ đỏ, dặn về nhà thì đốt một lá ở giữa trung đường, còn một lá thì lên cất giữ cẩn thận, vài năm sau sẽ có cơ hội dùng Cha mẹ đệ ngay ngày hôm ấy làm theo lời dạy của đạo sĩ. Đệ thấy một ông thần, to lớn như những ông tượng bằng đất ở trong các miếu, xông vào trong phòng lùng bắt người con gái. Nàng sợ hãi hoảng hốt, tóc tai rối bời, độn theo gió đào tẩu, bị vị thần đuổi theo truy nã. Về sau không trở lại nữa. Hôm đó chính là ngày huynh gặp tẩu tẩu. Đệ biết, trong việc gối chăn, huynh rất yêu thương mê đắm tẩu tẩu, tất sẽ không tin lời nói của đệ. Dù lá bùa kia vẫn còn không đủ làm bằng cớ. Tuy nhiên giả như tẩu tẩu là hồ ly thì trong người thường phát ra một mùi dị hương nồng nàn kỳ lạ, và hay kín đáo đưa tay nắn đốt xương cùng ở đít, không để cho ai sờ tới. Nếu quả đúng như thế, thì tẩu tẩu là hồ ly không sai. Khản nghe lời Tuyền kể chỉ há hốc mồm, trợn mắt ngạc nhiên, muốn nói mà không nói được. Em gái Khản nói: - Việc tẩu tẩu có thường sờ đốt xương cùng hay không thì em không được biết. Duy mùi dị hương thì có thật. Xin anh tính kế sớm đi, đừng để chuyện xẩy ra, sau hối không kịp. Khản ngẩng mặt lên trời thở dài: - Cứ như lời em nói, thì vợ ta là hồ ly không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng từ ngày lấy nhau, gia đình ta nhờ nàng mà giàu có ấm no. Con ta nhờ nàng mà có người nuôi nấng, em cũng nhờ nàng mà lấy được tấm chồng tử tế. Ơn của nàng đối với họ Vương ta thật là to lớn. Người ta bảo rằng "Lấy đức báo oán, chứ không lấy oán báo đức". Huống hồ, nàng lại là người yêu hiền thục, chẳng có gì độc hại. Dù rằng có khác loài đi nữa, nỡ nào mà bỏ nàng cho đành. Thôi! Thôi! anh xin hai em đừng nói những lời bất nhẫn như vậy nữa. Anh không nghe đâu. Tuyền cố khuyên: - Con ong nó còn có nọc độc, huống hồ ly là loài yêu mị. Huynh như chẳng nghe lời chúng em, thì huynh chỉ có một con đường duy nhất là tử lộ mà thôi. Sau khi Khản ra về, người em gái trong lòng không yên, lén đem lá bùa của chồng đem đốt ở trước cửa buồng nhà Khản. Khoảnh khắc, nổi lên mặt trận cuồng phong dữ tới, rồi Bạch nữ từ trong chạy ra, được vài bước thì té xuống đất, hóa thành một con chồn đen chạy bung ra cổng đào tẩu, đằng sau có một cơn lốc xoáy đuổi gấp theo, nhanh như điện chớp, phút chốc không còn thấy hình tích gì nữa. Khản được tin, tinh thần chấn động, khóc rống lên thảm thiết. Mấy ngày sau chẳng ăn uống gì, cứ tưởng niệm đến Bạch nữ rồi bi phẫn mà chết, để lại một Dị Sinh đứa con mồ côi cả cha lẫn mẹ.
oOo
|